Trong bối cảnh Bộ Chính trị đặt yêu cầu nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thì việc nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh tăng cường trong trường phổ thông tại TP.HCM là hết sức cần thiết.
Giải pháp đã được nêu ra tại tọa đàm “Giảng dạy tiếng Anh tăng cường theo Chương trình GDPT 2018” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức chiều 16-8.
Từ năm 2019, Trường Trung học Thực hành- ĐH Sư phạm TP.HCM đưa tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài vào giảng dạy cho học sinh, với thời lượng 2 tiết/tuần. Đến nay, 100% học sinh nhà trường được học tiếng Anh tăng cường.
Từ thực tế giảng dạy của trường, cô Hồ Mỹ Vân- Tổ trưởng tổ tiếng Anh nhà trường đánh giá, việc dạy tiếng Anh cho học sinh với người nước ngoài là hết sức cần thiết giúp các em tăng cường kỹ năng nghe, nói. Song vấn đề là làm sao chọn được giáo viên nước ngoài phù hợp, chọn được giáo trình phù hợp, đảm bảo vừa quản lý được về mặt chuyên môn mà vẫn khuyến khích được học sinh phát triển…
Trong khi đó, thầy Lại Huy Hoàng- giáo viên tiếng Anh, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho hay, việc giảng dạy tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài còn gặp khó khăn về kiểm tra, đánh giá khi đa số vẫn kiểm tra trên giấy về ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu, chưa kiểm tra được kỹ năng nghe, nói.
Theo cô Nguyễn Thị Tú- Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành- ĐH Sư phạm TP.HCM, với chủ trương của Bộ Chính trị trong Kết luận số 91 ngày 12-8 mới đây về việc nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học sẽ là cơ chế giúp việc dạy tiếng Anh tăng cường của trường đạt kết quả cao hơn.
Cô Tú cho biết, tiếng Anh luôn là thế mạnh của học sinh nhà trường khi kết quả môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT của trường hàng năm luôn cao hơn điểm trung bình của TP khoảng 3 điểm; 90% học sinh lớp 12 của trường có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 4,5-8,5. Hiện nay, mô hình của trường là chất lượng cao “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” cũng sẽ là thuận lợi để thúc đẩy học tiếng Anh, học ngoại ngữ. Khi có thêm cơ chế pháp lý, nhà trường sẽ càng thuận lợi hơn.
“Vấn đề là tổ chức như thế nào để có được sự đồng thuận của phụ huynh. Đặc thù của trường khi khảo sát có tới 58% học sinh lớp 10 có mong muốn đi du học, do đó, việc học tiếng Anh với người nước ngoài không chỉ giao tiếp mà còn đặt yêu cầu học sinh lấy được chứng chỉ quốc tế… Nhà trường phải tính toán xây dựng thời khóa biểu, tạo sự đồng thuận với phụ huynh…”.
Bà Đinh Trần Hạnh Nguyên – Phó khoa tiếng Anh, Phó giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khẳng định, tiếng Anh hiện không chỉ là một môn học đơn thuần mà là công cụ để học sinh hội nhập toàn cầu. Vai trò của tiếng Anh tăng cường là không thể phủ nhận.
Việc giảng dạy tiếng Anh tăng cường tại TP.HCM có nhiều thuận lợi với các đề án, chương trình. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có nhiều văn bản sát với việc triển khai đề án dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông. Đặc biệt nhất là trong bối cảnh Bộ Chính trị ngày 12-8 vừa qua đã có Kết luận số 91 nhấn mạnh tầm quan trọng nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Dù vậy, theo bà Hạnh Nguyên, việc giảng dạy tiếng Anh tăng cường trong trường phổ thông còn nhiều thách thức: cơ hội tiếp xúc của học sinh bên ngoài lớp học còn hạn chế; khó khăn cơ sở vật chất; đội ngũ; giáo trình, tài liệu; phương pháp giảng dạy kiểm tra đánh giá.
Cần có giáo trình giảng dạy chuẩn hóa, liên thông
Bà Đinh Trần Hạnh Nguyên khuyến nghị, để phát huy vai trò giảng dạy tiếng Anh tăng cường trong trường phổ thông khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 thì cần chính sách đồng bộ phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng, bao gồm cả giáo viên biên chế vào giáo viên hợp đồng.
Cần sự đồng bộ lập kế hoạch trong xây dựng cơ sở vật chất, khuyến khích ứng dụng phần mềm giảng dạy; tận dụng tài liệu SGK điện tử với hệ thống tài liệu bổ trợ để học sinh có cơ hội được luyện tập nhiều hơn bên ngoài lớp học, thực hành ngôn ngữ…
Cạnh đó, cần có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên không chỉ dừng theo số tiết trong SGK mà cần có sự đồng giảng trong đội ngũ, có cơ chế khuyến khích giáo viên hợp đồng tham gia hoat động ngoại khóa, CLB hỗ trợ học sinh học tiếng Anh…
Trên hết, cần có giáo trình, tài liệu chuẩn hóa liên thông phù hợp, làm sao chương trình tiếng Anh tăng cường đáp ứng tốt nhất, hiệu quả nhất việc giảng dạy tiếng Anh trong Chương trình GDPT 2018.
Để nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài cho học sinh phổ thông khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhóm tác giả là giảng viên khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giáo viên Trường Trung học Thực hành- ĐH Sư phạm TP.HCM; Giáo viên các trường THPT, THCS, TH… đã cùng thực hiện bộ sách tiếng Anh Global Gateway. Sách do NXB ĐH Sư phạm TP.HCM xuất bản.
Bộ sách gồm 24 tập từ lớp 1- lớp 12, mỗi lớp 2 tập, được thiết kế bám sát khung Chương trình GDPT 2018, có tính hệ thống theo từng năm học; Những chủ điểm quen thuộc phù hợp với mục tiêu và chuẩn đầu ra của Chương trình ở từng lớp học, tăng cường thêm kỹ năng nghe, nói cho học sinh…
Năm học 2023-2024, Trường Trung học Thực hành – ĐH Sư phạm TP.HCM đã đưa vào giảng dạy thử nghiệm bộ sách Global Gateway ở khối 10 cho chương trình tiếng Anh tăng cường.
Cô Nguyễn Thị Tú – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kết quả thử nghiệm rất khả quan: Trước kia, những trung tâm cung cấp giáo viên người nước ngoài thường sử dụng tài liệu được biên soạn từ nhiều nguồn, thiếu mục tiêu và thiếm bám sát Chương trình GDPT 2018. Khi đưa bộ sách vào giảng dạy tiếng Anh tăng cường, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên người nước ngoài để giảng dạy bộ sách…
“Kết quả cho thấy, học sinh đã không còn có băn khoăn, kiến nghị gì về chương trình… Năm học 2024-2025, nhà trường sẽ triển khai giảng dạy bộ sách ở 2 khối 10, 11”- cô Tú nói.
TP.HCM sẽ nghiên cứu tiêu chí, sớm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Trong Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025 của ngành GD-ĐT TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị TP.HCM cần sớm có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai theo yêu cầu đặt ra trong Kết luận số 91 của Bộ Chính trị ngày 12-8. Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TP.HCM sẵn sàng nhận nhiệm vụ nghiên cứu tiêu chí, chọn một số trường học thí điểm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học… |
Yến Hoa
Bình luận (0)