Theo chỉ thị mới, từ 18 giờ ngày 30-9, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại TP và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các đại biểu tham dự họp báo sáng 30-9
Sáng 30-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Tại buổi họp báo, ông Lê Hòa Bình – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM triển khai Chỉ thị tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.
Ông Lê Hòa Bình cho biết, mặc dù công tác phòng, chống dịch của TP đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng nhưng tình hình dịch vẫn còn phức tạp. Số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Vì vậy, TP.HCM ban hành chỉ thị mới về công tác chống dịch với mục tiêu nhằm tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch trên toàn địa bàn; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Đồng thời, củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân; đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
“Tinh thần chỉ thị mới không phải cho các hoạt động ồ ạt mở cửa trở lại mà phải có lộ trình để đảm bảo an toàn với tinh thần sức khỏe người dân là trên hết”, ông Lê Hòa Bình nói.
Theo ông Lê Hòa Bình, các ngành nghề được hoạt động theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình, theo danh mục cụ thể. Nguyên tắc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ để triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “an toàn là trên hết”, “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. TP sẽ bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng biện pháp cao hơn hoặc nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp.
“Chỉ thị mới cũng nhằm đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới, tuy nhiên không có nghĩa người dân đổ ra đường cùng một lúc, không đảm bảo an toàn phòng dịch. Sau 30-9, TP không cấp giấy đi đường mà sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch”, ông Lê Hòa Bình cho hay.
Theo chỉ thị mới, từ 18 giờ ngày 30-9, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại TP và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
8 nhóm hoạt động được mở cửa
1. Các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị Nhà nước của Trung ương đóng tại TP.HCM
2. Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế – văn hóa nước ngoài có trụ sở trú đóng trên địa bàn TP chủ động quyết định phương thức làm việc phù hợp với đặc thù của tổ chức và đáp ứng quy định về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của UBND TP và Bộ Y tế.
3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
4. Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ.
5. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, gồm:
Hoạt động tham quan bảo tàng được hoạt động với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch, mỗi nhóm tham quan tại từng khu vực trưng bày tối đa 10 người cùng một thời điểm.
Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.
Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động, nếu hoạt động theo từng nhóm tối đa 15 người/nhóm. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được hoạt động tối đa 100 người.
Tổ chức đám tang, đám cưới hạn chế tối đa 20 người cùng một thời điểm.
6. Hoạt động GD-ĐT: tiếp tục tổ chức dạy – học gián tiếp, trên môi trường internet, qua truyền hình; từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy – học trực tiếp. Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vắc xin, có thể dạy – học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.
Bố trí các hoạt động lệch ca, lệch giờ; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người tập trung theo quy định.
7. Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.
8. Hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà:
Hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo,…) tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.
Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 100 người.
Các trường hợp khác phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Các hoạt động tiếp tục tạm dừng
Sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động.
Hoạt động kinh doanh, dịch vụ: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.
Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trừ các trường hợp được cho phép hoạt động quy định.
N.Trinh
Bình luận (0)