UBND TP.HCM vừa ban hành quy định (kèm theo Quyết định số 70 năm 2024 của UBND TP.HCM) về các biện pháp tăng cường trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Theo đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định pháp luật hiện hành; tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành công vụ; quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng nhiệm vụ, công vụ của cán bộ quản lý; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định về trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; bảo vệ cán bộ và người lao động năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có năng lực, tài năng trong hoạt động công vụ…
Về biện pháp xem xét, xử lý trách nhiệm, người đứng đầu không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công hoặc để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn thì bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật hiện hành.
Người đứng đầu sẽ bị cách chức khi cơ quan phụ trách để xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc có nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng; hoặc có từ 3 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị buộc thôi việc hoặc có từ 2 trường hợp trở lên bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giữ, tạm giam để điều tra; hoặc có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận nghiêm trọng đến mức xem xét, xử lý kỷ luật cách chức.
Người đứng đầu sẽ bị cảnh cáo khi cơ quan phụ trách xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng hoặc có nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng; hoặc có từ 2 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở lên bị buộc thôi việc hoặc có trường hợp bị truy cứu hình sự, bị tạm giữ, tạm giam để điều tra theo quy định pháp luật; hoặc cơ quan có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận nghiêm trọng…
Người đứng đầu sẽ bị xem xét kỷ luật khiển trách đối với người đứng đầu khi cơ quan phụ trách xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là ít nghiêm trọng theo Nghị định 59 năm 2019 của Chính phủ; hoặc có từ 2 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang quản lý bị kỷ luật ở hình thức giáng chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Ngoài ra, người đứng đầu sẽ bị khiển trách nếu cơ quan có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận phải khắc phục…
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị bị xử lý bằng các biện pháp nêu trên thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí công tác khác phù hợp hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định. Quy định nói trên có hiệu lực từ ngày 18-10-2024.
Ngoài ra, TP.HCM cũng quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; văn hóa công vụ, đạo đức nghề nghiệp; đề xuất các giải pháp đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung; phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện phát huy năng lực, tài năng trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ… Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đề ra các quy định về khen thưởng, khuyến khích phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Nhật Huy
Bình luận (0)