Tại Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP vào sáng 1-3, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến ủng hộ giải pháp phát triển VTHKCC kết hợp với hạn chế xe cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về thời điểm cấm xe cá nhân vào trung tâm theo dự kiến.
TP.HCM tăng cường phát triển VTHKCC để tiến tới hạn chế xe cá nhân vào năm 2030
Tình hình giao thông thực tế
Đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM do Sở GTVT TP cùng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) phối hợp thực hiện. Mục đích của đề án này nhằm góp phần tháo gỡ những hạn chế và bất cập trong giao thông đô thị trên địa bàn TP. Theo lộ trình dự kiến, đề án sẽ được triển khai qua ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) hoàn thiện hệ thống quy hoạch, cơ chế chính sách, bộ máy quản lý Nhà nước về giao thông đô thị và tập trung nâng cao chất lượng hoạt động VTHKCC. Giai đoạn 2 (2021-2025) tiếp tục tăng cường phát triển hệ thống VTHKCC. Giai đoạn 3 (2026-2030) tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển VTHKCC, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ tiến tới ngưng hoạt động xe máy tại một số khu vực trung tâm. Theo Sở GTVT TP, nếu đề án được thông qua, TP sẽ hạn chế và tiến tới ngưng không cho xe mô tô, xe gắn máy 2-3 bánh lưu thông vào quận 1, quận 3, quận 5, quận 10. Các tuyến đường dự kiến hạn chế hoặc cấm xe máy lưu thông gồm CMT8, Bắc Hải, Võ Văn Kiệt, Châu Văn Liêm, Hồng Bàng, Lý Thường Kiệt, Võ Thị Sáu, Đinh Tiên Hoàng, Tôn Đức Thắng…
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để đi đến thực hiện quy định này là khi hệ thống VTHKCC (xe buýt, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh) phải bảo đảm đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân với cự ly tiếp cận trung bình khoảng dưới 500 mét. Bàn về vấn đề này, TS. Phạm Hoài Chung (Giám đốc Viện Chiến lược – Phát triển GTVT) lưu ý, TP hiện có khoảng 11-12 triệu người đang sinh sống, kéo theo sự gia tăng chóng mặt về lượng xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô cá nhân. Trong khi chỉ tiêu chiều dài đường và diện tích đường đang ở mức rất thấp so với tốc độ tăng trưởng của phương tiện, gây nên áp lực rất lớn đối với hạ tầng giao thông hiện hữu.
Nhằm tiến tới mục tiêu hạn chế xe cá nhân vào trung tâm TP, ông Trần Quang Lâm (Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) cho biết, trước mắt TP phấn đấu đưa tuyến Metro số 1 vào hoạt động trong năm 2020, tuyến số 2 hoạt động vào năm 2024. Bên cạnh hệ thống xe buýt và tuyến metro, khu trung tâm sẽ có thêm xe đạp điện, xe sử dụng chung vào năm 2025. |
Trăn trở trước giải pháp cấm xe máy vào trung tâm, TS. Huỳnh Thế Du (giảng viên chính sách công thuộc Trường Đại học FullBright) cho rằng khả năng triển khai sẽ khó thực hiện vì hạ tầng giao thông chưa đủ năng lực đáp ứng nhu cầu như dự kiến. Vì thực tế cho thấy xe mô tô, gắn máy bao lâu nay vẫn là phương tiện phù hợp nhất với túi tiền của người dân. Trong khi để tiến tới thay thế phương tiện giao thông cá nhân bằng hệ thống VTHKCC, TP cần tối thiểu 200-300km đường sắt đô thị (metro), khoảng 5.000-8.000 xe buýt (bao gồm cả xe buýt nhanh). Tuy nhiên theo dự báo, khả năng đến 2030, TP có thể chưa có hệ thống VTHKCC đồng bộ này. Trong tình hình như vậy, nếu triển khai quy định hạn chế hoặc cấm xe cá nhân lưu thông vào trung tâm, vô hình trung sẽ khiến người dân chuyển sang sử dụng ô tô thì hậu quả ùn tắc sẽ rất khó lường. Vì dù sao diện tích chiếm mặt đường của một chiếc ô tô có thể bằng hoặc hơn 4 chiếc xe máy.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Theo ý kiến của các chuyên gia tại hội nghị, vấn đề phát triển VTHKCC nên được xem là giải pháp ưu tiên số một nhằm tạo điều kiện cần và đủ để tiến tới mục tiêu cấm xe cá nhân vào các quận trung tâm. Ngoài ra, TP cần cân nhắc thời điểm cấm vào giai đoạn 2025-2030 trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng vẫn chưa đảm đương được trọng trách theo dự kiến. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Ủy viên Hội đồng quy hoạch – kiến trúc TP.HCM) lưu ý, TP có diện tích 2.150km2, với khoảng 12 triệu dân sinh sống nhưng chủ yếu lưu thông trong khu trung tâm (930 hécta) với các nhu cầu đi làm, học hành. Do đó, TP cần tiến hành quy hoạch không gian đô thị, phân bố lại dân cư, kéo giãn dân ra bên ngoài trung tâm bằng cách tạo ra ít nhất một đến hai khu đô thị vệ tinh nữa.
Bên cạnh giải pháp tăng cường năng lực giao thông công cộng, phân bố lại dân cư, ông Hà Ngọc Trường (Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM) cho rằng, TP cần có chính sách phù hợp để kiểm soát xe cá nhân, tiến tới hạn chế đến mức thấp nhất số lượng xe gắn máy vào năm 2030. Theo kỳ vọng của TS. Đặng Hoài Trung (Viện Chiến lược và Phát triển GTVT), việc triển khai đồng bộ các giải pháp của đề án sẽ kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội do ùn tắc giao thông gây ra, giảm thời gian đi lại và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phó Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm khẳng định việc hạn chế lưu thông xe cá nhân không chỉ giảm ùn tắc giao thông, mà còn giảm nguy cơ tai nạn, giảm mức độ ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống văn minh cho người dân.
Đinh Vũ
Bình luận (0)