Chỉ trong hơn 2 tuần, từ ngày 26-8 đến 12-9, trên địa bàn TP đã xảy ra nhiều vụ cây xanh ngã đổ gây thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh việc nỗ lực tìm ra nguyên nhân gây tai nạn sau các sự cố, Công ty Công viên cây xanh cùng Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã nhanh chóng vào cuộc khắc phục tình hình, hỗ trợ khẩn cấp cho những người không may.
Cây xanh bật gốc làm hư hại 3 nhà dân trên đường Tân Phước (Q.10) vào ngày 12-9 |
2 người chết trong 3 ngày
Nạn nhân thứ nhất là bà Trương Thị Ngọc Mai, 60 tuổi, ngụ quận 1. Thời điểm bà Mai gặp nạn vào khoảng lúc 9 giờ, ngày 26-8-2016. Lúc đó bà đi tập thể dục trong Công viên Tao Đàn, đang khi trời không có mưa giông nhưng một cành cây lớn (đường kính khoảng 30cm) bất ngờ tét nhánh, rơi xuống trúng người. Mặc dù đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu chữa, nhưng bà Mai đã tử vong sau 3 ngày sau đó vì vết thương quá nặng.
Hai ngày sau, trong cơn mưa lớn chiều 28-8, một cây dầu cổ thụ (đường kính khoảng 1m, cao 30m) trên đường An Dương Vương (Q.5) đã bất ngờ bật gốc chắn ngang hết mặt đường, đè trúng anh Từ Minh Khải (25 tuổi, ngụ Đắk Lắk) là nhân viên cửa hàng phụ tùng ô tô, khiến anh bị chấn thương sọ não, mất nhiều máu dẫn đến tử vong. Sự cố này còn làm hư hại ít nhất 10 xe máy, 1 xe ô tô và 4 nhà dân bị ảnh hưởng. Được biết, phần gốc cây dầu gây tai nạn đã bị mục, đứt rễ khá nhiều. Một vụ tai nạn khác lại xảy ra vào ngày 30-8, dù không mưa gió nhưng cây sọ khỉ có đường kính khoảng 80cm trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.5) cũng bất ngờ ngã đổ làm cho anh Huỳnh Minh Cường (Q.10) bị thương, gãy 1/3 xương chày phải, gãy nát xương mõm khuỷu tay phải, gãy đầu dưới xương quay phải và gãy kín đầu dưới xương quay trái.
Cây dầu cổ thụ bật gốc gây thương vong về người và tài sản trên đường An Dương Vương vào ngày 28-8 |
Theo thông tin từ Sở GTVT TP.HCM, chỉ tính từ ngày 26-8 đến ngày 31-8, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra khoảng 60 vụ cây ngã đổ và gãy nhánh, làm chết 2 người, bị thương 1 người, hư hại 1 ô tô, 6 xe máy và một số hạng mục công trình. Trong đó, chỉ tính riêng trong ngày 28 có 25 cây ngã đổ và 32 cây gãy nhánh.
Chưa dừng lại ở đó, vào chiều ngày 12-9, một cơn mưa giông khá lớn lại tiếp tục quật ngã cây xà cừ cổ thụ (đường kính gốc khoảng 1m, cao khoảng 20m) trước chung cư Nguyễn Kim, đường Tân Phước (phường 7, Q.10) khiến người dân hốt hoảng tháo chạy. Thân cây rơi xuống chắn ngang đường, tán cây quật vào dãy nhà đối diện chung cư làm hư hại ba ngôi nhà dân, cúp điện toàn khu vực và ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Theo quan sát của người dân, phần gốc cây cổ thụ chỉ còn vài nhánh rễ.
Kiểm tra, duy tu cây xanh chủ yếu bằng mắt thường
UBND TP.HCM chỉ đạo Công ty Công viên cây xanh TP, các khu quản lý giao thông đô thị và Sở GTVT nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân các vụ cây ngã đổ gây thương vong là do cây già yếu hay do hạ tầng giao thông cắt xén khiến cây chịu lực kém. Đồng thời kiểm tra tất cả cây xanh lớn tuổi trên địa bàn, qua đó đề ra những giải pháp khắc phục thích hợp nhất, nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho việc đi lại và ổn định cuộc sống của người dân. |
Cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn từ những cây xanh “có tuổi”, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam lưu ý, biểu hiện bên ngoài của cây dầu có thể vẫn tươi tốt, nhưng vẫn có khả năng bị mục phần bên trong gốc, vì chưa đến mức làm héo lá nên khó phát hiện. Chưa kể hiện nay nước ta chưa có các phương tiện hiện đại để khảo sát phần rễ cây. Riêng loại cây sao cũng khá nguy hiểm vì dễ bị tét nhánh, do các cành thứ cấp bám không chặt vào thân cây.
Theo ông Kiểm, TP.HCM hiện còn trên 5.000 cây dầu loại 3, có chiều cao hơn 12m, tương tự như những cây dầu cổ thụ trên đường An Dương Vương. Do đó nhằm đảm bảo yêu cầu về cảnh quan và an toàn cho người dân, TP cần có kế hoạch thay thế dần các cây lâu năm như dầu, sao, sọ khỉ, lim xẹt… Trong đó, độ tuổi cây cần phải thay thế cũng có sự khác nhau. Chẳng hạn như cây sao, dầu thì nên từ 80-100 tuổi, sọ khỉ từ 60-80 tuổi; me, phượng 40-60 tuổi và lim xẹt dưới 40 tuổi.
Được biết, hiện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP đang chăm sóc hơn 90.000 cây xanh các loại trên địa bàn TP. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng đào đường, làm vỉa hè, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống cây xanh, dẫn đến tình trạng mất an toàn đặc biệt là vào mùa mưa, mặc dù các đơn vị đã ra sức tăng cường kiểm soát, gia cố. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng có cùng nhận định như kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm về mặt hạn chế trong công tác kiểm tra, duy tu cây xanh là chủ yếu vẫn thực hiện bằng mắt thường. Do đó, các đơn vị chỉ có thể kiểm tra bên ngoài về độ sinh trưởng, độ nghiêng hay nhánh cây có nguy cơ gãy đổ để khắc phục, chứ chưa có phương pháp hiện đại nên khó xác định rễ ngầm có bị hư hỏng hay không. Trong trường hợp phát hiện cây nào có dấu hiệu xuống sức, sinh trưởng kém thì mới được đào gốc để khảo sát cụ thể.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)