Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM: Bất cập hệ thống giao thông thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

Với nội dung gồm 35 từ nhưng chỉ hiển thị trong 5 giây khiến người lưu thông không kịp tiếp cận
Để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, từ năm 2012, Sở GTVT TP.HCM đã lắp đặt 14 bảng quang báo điện tử (BQBĐT) ở các nút giao trọng điểm như đường 3-2, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hoàng Văn Thụ, ngã 3 Lăng Cha Cả… Theo đó hệ thống camera quan sát cũng đã được lắp đặt tại nhiều giao lộ. Tuy nhiên, cả hai hệ thống này hiện còn tồn tại nhiều bất cập gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành cũng như việc lưu thông của người dân.
Bất cập ở BQBĐT
Anh Nguyễn Trọng Thắng, nhân viên marketing của một công ty xây dựng ở quận 3 kể rằng một lần anh bị lỡ việc do BQBĐT chậm cập nhật thông tin: “Tôi có hẹn công việc với đối tác ở ngã tư Lý Thường Kiệt – Lữ Gia nên lưu thông theo trục đường 3-2. Khi đến đoạn khách sạn Kỳ Hòa vào lúc 18 giờ 15, BQBĐT liên tục xuất hiện thông tin cảnh báo giao lộ này đông xe nên tôi phải chọn hướng đi khác và bị kẹt xe ở lộ trình thay thế. Sự cố này khiến tôi lỡ hẹn vì tôi bị trễ gần 1 giờ đồng hồ. Ai ngờ khi đến đó mới biết là khu vực này giao thông đã ổn định, thông thoáng vào lúc 17 giờ 50 vì có lực lượng CSGT ứng cứu. Lẽ ra BQBĐT khi đã đưa ra cảnh báo ùn tắc ở tuyến đường phía trước thì cũng cần chỉ cho người dân lộ trình thay thế phù hợp để tránh việc người dân “tránh vỏ dưa rồi lại gặp vỏ dừa” như tình cảnh mà tôi đã vướng phải”.
Theo lời anh Thắng, BQBĐT này không chỉ cập nhật thông tin chậm, mà cách chuyển tải thông tin cũng chưa được phù hợp. “Chẳng hạn như vào sáng ngày 29-10, BQBĐT này thông báo 3 nội dung khác nhau. Trong đó có hai nội dung chỉ hướng lưu thông và một nội dung mang tính thông tin gồm 35 từ với nội dung: “Cấm xe ô tô tải có tổng trọng lượng trên 10 tấn, người đi bộ, xe thô sơ, xe 3 bánh lưu thông qua cầu vượt Nguyễn Tri Phương – 3-2 – Thành Thái – Lý Thái Tổ”. Tuy nhiên, với nội dung này tôi phải đọc ít nhất trong 20 giây, trong khi BQBĐT cứ 5 giây lại thay đổi nội dung khác, làm sao người dân lĩnh hội cho kịp”, anh Thắng bức xúc.
Bà Phạm Thị Oanh cư ngụ tại khu vực này cho hay thỉnh thoảng cũng có một vài trường hợp mải đọc BQBĐT nên đã va quẹt với người lưu thông cùng chiều. Theo bà Oanh: “Người tham gia giao thông không thể vừa chạy xe vừa đọc BQBĐT, vì vậy BQBĐT nên được đặt ở các ngã tư để khi dừng chờ đèn đỏ người dân có thể theo dõi nội dung thông tin được đầy đủ và an toàn”.
Nói về các bất cập của BQBĐT, nhiều tài xế taxi cho rằng việc lắp đặt BQBĐT được bố trí gần bảng hướng dẫn hướng lưu thông đã có ở các ngã tư là việc đầu tư lãng phí. Tiêu biểu như BQBĐT được lắp gần biển báo cũ nằm trên đường Trần Quốc Hoàn, hướng từ sân bay về vòng xoay Lăng Cha Cả có nội dung trùng lặp hoặc thông báo địa điểm ùn tắc trong phạm vi hẹp khiến cho các tài xế khó xoay xở để tìm được lộ trình phù hợp.
Cần đầu tư camera chất lượng cao
TP.HCM hiện có hơn 200 camera giám sát được lắp tại các giao lộ. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều tuyến đường có hệ thống camera chất lượng kém. Cụ thể như ở đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ có 20 camera giám sát tại các giao lộ nhưng có đến 16 camera sử dụng công nghệ analog có độ phân giải thấp, hình ảnh quan sát không rõ, tín hiệu truyền dẫn về trung tâm không  liên tục. Bên cạnh đó, phòng vận hành kiểm soát hệ thống của trung tâm chưa ghi nhận đầy đủ và lưu trữ lâu dài hình ảnh từ các camera bởi dung lượng đầu ghi thấp. Ngoài hai tuyến đường trên, một số điểm như cầu vượt Cát Lái, cầu Ông Lãnh, cầu vượt Tân Kiên, cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ do chỉ được bố trí một camera nên tình hình giao thông ở những khu vực này không được cập nhật kịp thời. Theo phản ánh của người dân, một số đại lộ có đông người lưu thông cũng cần được lắp đặt camera giám sát như cầu Chà Và, giao lộ Đồng Văn Cống – Mai Chí Thọ, giao lộ Võ Văn Kiệt – Ký Con…
Theo ông Phạm Đình Xinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ATGT, hiệu quả của hệ thống camera giám sát ATGT trên cả nước chưa cao, do camera sử dụng công nghệ lạc hậu nên độ phân giải và độ nhạy sáng thấp. Do đó, hệ thống này bị hạn chế ở chỗ chỉ có thể ghi nhận các lỗi vi phạm của xe ô tô như chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, và hạn chế trong việc xác nhận cụ thể phương tiện gây tai nạn để làm cơ sở xử lý vi phạm về sau.
Bài, ảnh: Bích Vân
Sẽ có sự đổi mới
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, dự kiến trong năm nay, 10 BQBĐT sẽ được lắp đặt thêm tại các khu vực trung tâm của thành phố. Để tích hợp các hệ thống giao thông vào một đầu mối, TP.HCM đang lập đề cương và tìm nguồn vốn đầu tư để xây dựng một trung tâm điều hành giao thông hiện đại nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào việc điều khiển các hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera quan sát và BQBĐT. Từ đó, giúp cho công tác quản lý giao thông có hiệu quả hơn.
 
 

Bình luận (0)