Chiều 24-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp về triển khai giải pháp thực hiện rà soát, đánh giá, nâng cấp, phát triển các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình mới.
Cuộc họp được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu và trực tuyến tại các địa phương.
Tham dự tại điểm cầu TP.HCM có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy và đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, để công tác đảm bảo hệ thống chính quyền vận hành thông suốt, không gián đoạn khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và hợp nhất TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Khoa học và Công nghệ của 3 địa phương và Trung tâm Chuyển đổi số TP đã ban hành kế hoạch liên tịch để thực hiện.
Các đơn vị phối hợp tổ chức khảo sát, xây dựng và thống nhất phương án triển khai chi tiết; tổ chức đào tạo, tập huấn sử dụng các nền tảng số dùng chung; bố trí nhân sự kỹ thuật để hỗ trợ trực tiếp tại các phường xã mới.

Về các nền tảng số dùng chung, TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thống nhất 5 nền tảng số dùng chung cho 168 phường/xã mới từ ngày 1-7 gồm: Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; Hệ thống quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân (1022); Hệ thống thư điện tử công vụ.
Để việc vận hành các hệ thống thông tin thông suốt phục vụ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7, TP.HCM đã tổ chức 2 lần vận hành thử cho 102 phường/xã mới; phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp theo dõi và chỉ đạo trong quá trình vận hành thử.
Tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã tổ chức vận hành thử các nền tảng số dùng chung. Ngày 25-7 (hôm nay), 3 tỉnh/TP sẽ tiếp tục vận hành thử đồng loạt 168 phường/xã mới.
Đối với Cổng dịch vụ công trực tuyến của TP.HCM, TP đã chủ động phối hợp Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến của TP lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trên cơ sở đó, từ ngày 19-6, TP đã dừng hoạt động giao diện cổng dịch vụ công trực tuyến của TP.
Bà Thúy kiến nghị, các bộ ngành Trung ương sớm công bố danh mục thủ tục hành chính theo các nghị định phân cấp, phân quyền của Chính phủ vừa ban hành; Cung cấp dữ liệu hồ sơ hành chính do các bộ ngành thực hiện trước ngày 1-7 nhằm đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính thông suốt khi phân cấp, phân quyền về cho địa phương.
Đồng thời, các bộ ngành Trung ương cần sớm tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến của các bộ ngành vào Cổng dịch vụ công quốc gia và đề xuất hoàn thành là trong năm 2025.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ đã khẩn trương chuẩn bị, tổ chức cuộc họp nhằm tiếp tục triển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo, Nghị quyết 71/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cơ bản nhất trí với các báo cáo, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng của bộ, ngành, địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, để đảm bảo triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiệu quả, không gây xáo trộn, gián đoạn đối với công tác quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tiến độ từ nay đến ngày 1-7 là không thể điều chỉnh. Thời gian còn lại rất ngắn nhưng nhiệm vụ còn nhiều với quy mô lớn, phạm vi rộng, trong khi trình độ năng lực, điều kiện của các nơi, các cấp khác nhau nên không được chủ quan, lơ là.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo bộ, ngành, địa phương là đầu mối triển khai phải chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ trong việc bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, liên tục, ổn định của các hệ thống công nghệ thông tin. Đặc biệt, không làm gián đoạn hoạt động cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp và hoạt động quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp trước và sau thời điểm tổ chức lại bộ máy.
Bên cạnh đó, từng mốc công việc, từng hệ thống cần có kế hoạch chi tiết, phân công rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm “6 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền). Đồng thời, kịp thời bảo đảm kinh phí và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ thông tin triển khai các nhiệm vụ cấp bách và đột phá; bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin.
Hồ Trinh
Bình luận (0)