Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Các cơ sở giáo dục vẫn thiếu giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Tính đến thời điểm ngày 31-5-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết số viên chức, lao động hợp đồng làm việc thực tế tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố là 70.819 người. Số biên chế chưa sử dụng là 8.379 người.


TP.HCM dù không sử dụng hết biên chế nhưng lại thiếu giáo viên do nhiều nguyên nhân

Dù vậy, trên thực tế, các cơ sở giáo dục vẫn thiếu giáo viên, đặc biệt là các bộ môn đặc thù như âm nhạc, mỹ thuật, tin học…

Sở GD-ĐT TP.HCM báo cáo, năm học 2023-2024, tổng số lượng người làm việc và hợp đồng lao động TP.HCM được giao biên chế trong năm học là 73.080 người. Trong đó, viên chức quản lý là 3.620 người; giáo viên là 62.773 người. Số biên chế được giao bổ sung là 205 người trong năm học 2022-2023 và 1.662 người trong năm học 2023-2024.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm ngày 31-5-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết số viên chức, lao động hợp đồng làm việc thực tế là 70.819 người. Số biên chế chưa sử dụng là 8.379 người. Trong đó, mầm non là 1.192 người; tiểu học là 2.787 người; THCS là 3.184 người; THPT là 938 người; GDNN-GDTX là 154 người; GD chuyên biệt là 84 người và trung cấp 40 người.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, thực tế chưa sử dụng hết biên chế xuất phát từ nhiều nguyên do. Trong những năm qua, áp lực về cải cách chương trình giáo dục, việc nâng cao trình độ, năng lực của nhân sự công tác trong ngành đòi hỏi ngày càng cao nên có nhiều áp lực đối với đội ngũ giáo viên. Số lượng, chất lượng giáo viên được đào tạo từ các cơ sở giáo dục hiện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của sự gia tăng đối tượng học sinh và tăng trường, tăng lớp hiện nay (nhất là với giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật, tin học).

Mức lương hiện nay chưa đủ thu hút và cạnh tranh so với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non quốc tế và ngoài công lập, nhất là lực lượng giáo viên dạy tiếng Anh, do đó dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục công lập của thành phố gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng và giữ chân đội ngũ theo nhu cầu.


Đổi mới giáo dục với những đòi hỏi ngày càng cao đã tạo ra nhiều áp lực cho đội ngũ giáo viên

Bên cạnh đó, mặc dù nhu cầu về nhân lực tại các cơ sở giáo dục là rất cấp thiết nhưng các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM vẫn không thể tuyển đủ số lượng cần thiết vì có một số vị trí không có ứng viên đăng ký tuyển dụng, dẫn đến số biên chế vẫn trong tình trạng thiếu trên thực tế nhưng số liệu thống kê báo cáo vẫn chưa sử dụng hết tại từng địa phương của thành phố.

“Nhiều vị trí việc làm hằng năm các địa phương của thành phố đều đăng ký nhu cầu tuyển dụng, xây dựng kế hoạch và tiến hành tuyển dụng nhưng không có ứng viên đăng ký như vị trí giáo viên công nghệ thông tin, nữ công, âm nhạc, tiếng Anh, mỹ thuật…” – lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu dẫn chứng.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong suốt 5 năm học từ năm học 2018-2019 đến đầu năm học 2023-024, TP.HCM chỉ tuyển được hơn 62% giáo viên ở các bộ môn đặc thù khó tuyển ở bậc tiểu học như tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật.

Nhằm khắc phục thực trạng thiếu giáo viên kéo dài, Sở GD-ĐT TP.HCM đang xây dựng dự thảo đề nghị ban hành nghị quyết về chính sách thu hút đối với giáo viên các môn học ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật tại các trường tiểu học công lập trên địa bàn TP.HCM.

Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, việc đề xuất chính sách hỗ trợ đối với viên chức là giáo viên dạy các môn học ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật tại các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM sẽ giúp giáo viên tiểu học nói chung và giáo viên dạy các môn này nói riêng đảm bảo nhu cầu sống cơ bản, toàn tâm, toàn ý cho việc giảng dạy; khắc phục tình trạng nghỉ, bỏ việc; đồng thời thu hút nguồn lực sinh viên, giáo viên tham gia vào ngành nghề này nhiều hơn để ngành giáo dục có một đội ngũ đảm bảo về chất lượng lẫn số lượng, đáp ứng yêu cầu giảng dạy Chương trình GDPT 2018 và thực hiện thành công trong sự nghiệp phát triển giáo dục thành phố.

Yến Hoa

Bình luận (0)