TP HCM cần coi trọng sự đổi mới không chỉ để thu hút nguồn đầu tư mới mà còn duy trì và tăng trưởng nguồn đầu tư đang có…
Tọa đàm giữa lãnh đạo TP HCM và lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài diễn ra ngày 22-2 đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết với mong muốn cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế thành phố.
Hàng loạt "đặt hàng" từ nhà đầu tư
Ông James Ollen, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho rằng TP HCM cần ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý công nhằm tạo môi trường pháp lý công bằng, minh bạch và hoạt động phê duyệt thủ tục được nhanh chóng, nhất quán.
Đại diện AmCham gợi ý Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng cần có chính sách thuế tương thích với thế giới, qua đó nâng cao năng lực của DN để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Song song đó, Việt Nam nên áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về kế toán, kiểm toán, chuyển giá và sử dụng quy trình thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trao đổi với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài sau tọa đàm
Cũng theo đại diện AmCham, cơ sở hạ tầng hiện nay của TP HCM là hạn chế đáng kể đối với hoạt động sản xuất và du lịch. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc giao thông trong và xung quanh thành phố gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến hoạt động kinh doanh mà còn chất lượng cuộc sống.
"Hội viên AmCham coi trọng các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực phía Nam. Các kế hoạch này cần được triển khai và đẩy nhanh như một phần của hành lang chuỗi cung ứng tổng thể của khu vực để thúc đẩy kết nối các khu kinh tế" – đại diện AmCham nhấn mạnh.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhận xét TP HCM đang có nhiều cơ hội để trở thành điểm đến hàng đầu khu vực. Trong đó, du lịch là ngành then chốt đóng góp vào sự phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố. Để phục hồi đà tăng trưởng du lịch của TP HCM, Chủ tịch EuroCham đề xuất gia hạn thị thực (visa) lên 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay và áp dụng cho tất cả công dân trong khối Liên minh châu Âu.
"EuroCham đã tiếp nhận nhiều phản ánh của du khách về những trải nghiệm không thoải mái ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vì phải xếp hàng chờ đợi nhiều giờ và không có sự tổ chức, sắp xếp hợp lý cũng không có làn riêng dành cho khách hạng thương gia, nhà đầu tư, khách đến TP HCM theo hình thức du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo)…" – Chủ tịch EuroCham phản ánh thêm.
Đại diện các hiệp hội DN nước ngoài tại TP HCM còn đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ thành phố phát triển chuỗi cung ứng và sản xuất giá trị cao. Trong đó, tập trung vào cải cách giáo dục, chính sách thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, logistics… Bên cạnh đó, cần xây dựng giải pháp đáp ứng an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng sạch; khuyến khích đầu tư công nghệ cao, nâng cao năng lực nghiên cứu…
Cam kết mạnh mẽ của TP HCM
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết lãnh đạo thành phố ghi nhận những đóng góp lớn của cộng đồng DN cho sự phát triển của thành phố. TP HCM sẵn sàng lắng nghe, giải quyết ngay những vướng mắc của DN và tập trung cải thiện môi trường đầu tư. "TP HCM sẽ có quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian thực hiện công vụ và sẽ công bố các nội dung này đến cộng đồng DN trong, ngoài nước để DN giám sát" – Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định song song với việc cải thiện môi trường đầu tư, thành phố đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong dài hạn, kinh phí dành cho giao thông chiếm 50% tổng kinh phí đầu tư.
Về ngắn hạn trong năm 2023, kinh phí dành cho giao thông có thể lên đến 70% ngân sách đầu tư. Ngoài ra, thành phố đang đề xuất một số cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) để có thể thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách.
Liên quan xây dựng thể chế, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay thành phố đã trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Trong đó, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư; tài chính – ngân sách; quản lý đô thị; đất đai; đổi mới sáng tạo; phân cấp, phân quyền để thành phố chủ động hơn trong giải quyết thủ tục nhằm khơi thông hết tiềm năng, nguồn lực – nhất là nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài.
"Dự kiến tháng 5-2023, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết về cơ chế chính sách đột phá phát triển TP HCM. Nếu được Quốc hội thông qua, TP HCM sẽ đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng sớm hơn, kể cả với hệ thống Metro" – Chủ tịch UBND TP HCM cam kết.
Về đào tạo nguồn nhân lực, TP HCM sẽ tập trung đào tạo theo định hướng phát triển cũng như định hướng thu hút đầu tư của thành phố. Thành phố mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, giáo dục nghề, đại học để có thể tiệm cận trình độ nhân lực của quốc tế. Đồng thời, mong muốn hợp tác với các DN nước ngoài trong lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
"Còn một số vấn đề về cấp phép kinh doanh, giấy phép lao động, visa…, TP HCM phải xin ý kiến của bộ, ngành. Chúng tôi sẽ tích cực hơn trong việc báo cáo kịp thời, đeo bám để có được ý kiến. Trong trường hợp vượt quá thời gian mà không nhận được hồi đáp, thành phố sẽ quyết định theo thẩm quyền" – Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Thấy rõ hiệu quả từ các buổi đối thoại
Chủ tịch EuroCham Alain Cany bày tỏ vui mừng khi tại tọa đàm này không còn ý kiến phản ánh, đề xuất nào liên quan đến lĩnh vực hải quan. Ý kiến phản ánh về vướng mắc trong lĩnh vực này đã từng chiếm hơn một nửa thời gian của buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM với cộng đồng DN nước ngoài cách đây 6-7 năm. "Đây là minh chứng cho thành quả của các buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền TP HCM và cộng đồng DN" – ông Alain Cany nhìn nhận.
|
THANH NHÂN (theo NLĐ)
Bình luận (0)