Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM cấm dạy thêm trong trường, cho dạy bên ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm học này, TP.HCM sẽ chấm dứt dạy thêm trong trường. Giáo viên chỉ được phép dạy bên ngoài, ở các trung tâm do người khác đứng ra tổ chức, giáo viên được trả lương.

TP.HCM cấm dạy thêm trong trường, cho dạy bên ngoài

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trả lời chất vấn – Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã nói như vậy trong phiên chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM khóa IX, vào chiều 4-8.

Ông Sơn thừa nhận, với quy định này, tới đây chắc chắn sẽ nở rộ các trung tâm dạy thêm bên ngoài nhà trường.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy chất vấn: Xuất phát từ những nguyên nhân nào mà Sở lại cấm học thêm tại trường? Theo đại biểu Thúy, cấm dạy trong trường nhưng lại cho dạy ở trung tâm bên ngoài, như vậy chỉ là thay đổi về hình thức chứ không thay đổi về bản chất.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Hà cho rằng hạn chế dạy thêm học thêm là đúng. Nhưng để giải quyết rốt ráo thì phải thay đổi cách đánh giá xếp loại, kiểm tra, ra đề thi, tuyển sinh. Nếu bảo đảm được đề thi nằm trong các nội dung đã dạy trong trường thì việc dạy thêm sẽ không còn nữa.

Về chất vấn này, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM giãi bày: “Việc chấm dứt dạy thêm học thêm trong trường, trách nhiệm của sở phải thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo”.

Ông Sơn chia sẻ thêm, giáo viên TP nhìn chung có chuyên môn rất tốt, đảm bảo được chương trình giảng dạy. Nhưng điều lo lắng nhất là thi theo kỳ thi chung, đề thi có nhiều nội dung chuyên sâu, thì vẫn tạo áp lực lớn cho phụ huynh và học sinh.

“Một lớp khoảng 50 học sinh mà có tới 30-40 em có nhu cầu học thêm. Bởi học sinh nào cũng muốn đạt kết quả tốt trong các kỳ thi”, ông Sơn nói.

“Nếu dạy tại trường thì còn quản lý được, còn nếu dạy ở trung tâm ngoài thì có quản được không?”, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung tiếp tục đặt câu hỏi.

Ông Sơn trả lời: việc cấp phép này do Sở và các phòng giáo dục quận huyện cấp phép. Khi đó, sẽ phải  xem xét về bằng cấp, về cơ sở vật chất… mới cấp, ngoài ra còn có các tiêu chí phụ như vị trí trung tâm không ùn tắc giao thông…. “Việc này sẽ hạn chế rất nhiều các trung tâm” – ông Sơn nói.

Nhìn sự việc ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo nói, học hè cũng rất có lợi, giúp các em bổ sung được kiến thức, gỡ khó cho phụ huynh. Khi học hè tại trường, cơ sở đoàn sẽ phối hợp với các trường tạo sân chơi kỹ năng.

Đại biểu Thảo cho biết, nhiều cử tri rất lo lắng việc tới hè, con không đi học trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm. Thời gian nghỉ hè khoảng 2 tháng, chỉ ở nhà thì sẽ không ổn với sự phát triển của trẻ. “Trong năm học tới, Sở có giải pháp như nào gỡ khó cho phụ huynh?”.

Ông Sơn nói, từ nhu cầu này, nên bậc mầm non ở TP vẫn mở cửa từ 15-6 đến 15-8 theo nhu cầu tự nguyện của giáo viên. Ở các bậc học cao hơn cũng tổ chức rất nhiều sân chơi, mở cửa sân trường, thư viện trong dịp hè.

“Bên cạnh những con sâu làm rầu nồi canh vì mục đích cá nhân của mình, chúng tôi chỉ muốn chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm, chứ tôi thấy việc này cũng là cần thiết để thực hiện”, ông Sơn trình bày thêm.

Kết lại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nói, việc dạy thêm tràn lan tiêu cực thì không ai ủng hộ. Nhưng khi ra một chính sách quản lý thì đòi hỏi phải nhìn vào thực tiễn, mang tính khoa học, chứ không phải quản không được thì cấm. Bà Tâm đề nghị UBND quan tâm hơn về vấn đề này.

“Chính sách của nhà nước phải đồng bộ trong thực hiện, coi chừng nở ra bên ngoài không quản lý được, còn tai hại hơn là dạy trong trường. Nếu không cấm triệt để được thì phải khai thác những điểm tích cực, đúng mục đích của dạy thêm học thêm”, bà Tâm nói và yêu cầu Sở GDĐT nắm lại dư luận xã hội, phụ huynh, học sinh về vấn đề này.

 

MAI HƯƠNG – MAI HOA/TTO

 

Bình luận (0)