Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Cần cơ chế đặc thù trong xây dựng nhà ở

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều ngày 6-10, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã làm việc với UBND TP.HCM về tình hình quy hoạch và xây dựng trên địa bàn TP trong 9 tháng đầu năm 2016, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm.

Chung cư Thanh Đa đã xuống cấp nhưng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư xây mới

Tham dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà…

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND TP – nêu thực trạng: 10 năm qua TP.HCM mới làm và cải tạo được 32 căn chung cư cũ. Nếu theo NQ của Đảng bộ TP.HCM thì trong 4 năm còn lại không thể giải quyết được 432 chung cư cũ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, tính mạng của nhân dân vì những chung cư này có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

Và theo ông Khoa, nguyên nhân của tình trạng này là do những quy định “lạc hậu” của TW. Và ông mong muốn Bộ Xây dựng sẽ góp phần kiến nghị cho TP.HCM có cơ chế đặc thù để nhanh chóng hoàn thành việc sửa chữa, xây mới các chung cư cũ vì đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Khoa mong muốn TW cho TP được chọn chủ đầu tư có năng lực để xây dựng các chung cư cũ này. Bên cạnh đó, với chương trình chỉnh trang kênh rạch của TP, có trên 20.000 căn nhà che chắn tạm bợ, mong Bộ Xây dựng ủng hộ, cho phép TP lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư để đến năm 2020 sẽ tái định cư những hộ dân này trên khu tái định cư mới.

Đồng tình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng mong muốn Bộ Xây dựng nhanh chóng giúp tháo gỡ những khó khăn về quy định, thủ tục liên quan tới đấu thầu, chỉ định thầu cho TP, có như vậy TP.HCM mới kêu gọi được các nhà đầu tư trong việc chỉnh trang đô thị, chống ngập và hoàn thành kế hoạch di dời được 20.000 hộ dân đang sống tạm bợ trong các căn nhà ọp ẹp trên và ven kênh rạch đến nơi ở mới tốt hơn.

Cũng theo ông Phong, TP.HCM đã đề ra 7 nhóm giải pháp trong chỉnh trang đô thị và quản lý công tác xây dựng. Theo đó TP đang quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là cấp giấy phép xây dựng theo hình thức một cửa; đẩy nhanh lập đồ án quy hoạch TP chung, rà soát đánh giá quy hoạch và điều chỉnh sử dụng đất có hiệu quả. Đơn cử như tại quận 9, quận Bình Tân, Tân Phú… tốc độ đô thị hóa rất nhanh, vì vậy TP phải có những kế hoạch kiềm chế phát triển về dân số, quản lý điều chỉnh quy hoạch… “Vì nếu làm không tốt, sẽ dẫn tới quy hoạch treo sẽ làm khổ dân”, ông Phong nói.

Liên quan tới cơ chế chính sách, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, những công trình từ cấp 2 trở xuống đều giao cho TP quyết. “TP phải tăng cường kiểm tra, quản lý những công trình dự án vốn ODA. Vì nếu không quản lý chặt sẽ dẫn tới dự án bị hủy. TP phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, khảo sát về chỉ số giá, vật liệu xây dựng, có như vậy mới lập được dự toán chính xác và quản lý tốt được vấn đề này”, ông Khánh cho biết.

Ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP – cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, TP xử lý 10 công trình xây dựng khi để xảy ra các vụ tai nạn lao động; trang thiết bị không đảm bảo an toàn. Đồng thời kiểm tra 96.528 lượt công trình, phát hiện 2.190 trường hợp vi phạm, trong đó xây dựng không phép là 716/2.190 trường hợp. Nếu so sánh trên giấy phép xây dựng thì công trình sai phép là 716 trường hợp/36.399 giấy phép xây dựng, trong đó tập trung tại quận Thủ Đức, Bình Tân, huyện Hóc Môn…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng mong muốn Bộ Xây dựng hết sức chia sẻ về áp lực rất lớn trong công tác xây dựng, quy hoạch đô thị của TP.HCM. Bởi cùng với tốc độ tăng dân số như hiện nay là một “núi” công việc mà lãnh đạo TP phải giải quyết.

 “TP rất cần một cơ chế đột phá để phát triển mạnh hơn, nhanh hơn. Có vậy TP mới tái đầu tư lại cho hạ tầng, dân sinh. Vì vậy, Bộ Xây dựng cần ủng hộ cho TP.HCM cơ chế đặc thù theo đúng tinh thần NQ 16. Vì trong NQ đã quy định, những gì trong luật không có, lỗi thời thì phải cho TP cơ chế đặc thù. TP chỉ còn 4 năm, khối lượng công việc để hoàn thành rất lớn từ ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng, đến công tác chống ngập, xây dựng 474 chung cư cũ. Người dân làm sao an tâm sống trong những chung cư này khi họ biết không an toàn”, ông Thăng nói.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, để giải quyết được những bức xúc, khó khăn đối với những hạn chế tồn tại của những TP lớn như TP.HCM, Bộ Xây dựng sẽ quyết tâm tháo gỡ. 

Theo ông Hà, “TP.HCM là siêu đô thị” nhưng đất giao thông theo quy chuẩn lại rất thấp nên ùn tắc giao thông không thể tránh khỏi. Thách thức tiếp theo là quá trình xây dựng – bản sắc văn hóa đô thị TP cũng cần phải có kế hoạch.

Theo đó, ông Hà đề nghị TP.HCM cần quan tâm, chỉ đạo trong công tác quy hoạch, xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông tốt hơn nữa. Tiếp tục đẩy mạnh nhà ở xã hội và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhà ở, nhất là những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp và phải quan tâm tới những dự án nhà ở cao cấp vì bán giá cao mà chất lượng xấu sẽ mất niềm tin với người tiêu dùng và xã hội.

An Khánh

Bình luận (0)