Đây là chỉ đạo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM với các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn. Cuộc họp diễn ra chiều 25-6.
TP.HCM cần có giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, toàn diện hơn nữa
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế cho biết, đợt dịch này có diễn biến phức tạp, tính từ ngày 27-4 đến nay, TP đã ghi nhận 2.293 ca nhiễm. Đặc biệt từ 6 giờ ngày 24-6 đến 6 giờ ngày 25-6, TP ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, cao nhất từ trước đến nay. Tuy số ca nghi nhiễm tăng nhưng đa số xảy ra trong khu cách ly với 538 trường hợp và 99 trường hợp trong khu phong tỏa. Còn lại các trường hợp phát hiện do tầm soát, sàng lọc khi khám tại bệnh viện,… điều này cho thấy TP vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh.
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, hiện TP ghi nhận số người có triệu chứng bệnh chỉ là 68%, ít hơn so với tỷ lệ trong những ngày đầu của đợt dịch này, số người bị bệnh nặng chỉ chiếm 1,3%. Ông Dũng cho rằng, thông thường khi virus lây lan qua nhiều thế hệ thì độc lực sẽ giảm đi. Như vậy, trong những giai đoạn chống dịch tiếp theo, TP có thể tính đến phương án “sống chung với lũ”. Việc chống dịch sẽ nghiêng về hướng bảo vệ cho những đối tượng có nguy cơ. Tuy nhiên, phương án chống dịch ở hiện tại vẫn là tiếp tục truy vết.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, vấn đề quan trọng của TP.HCM là cần đánh giá tình hình diễn biến tới đâu, kiểm soát ở mức độ nào, kiểm chế và đẩy lùi dịch Covid-19 ở mức độ nào, từ đó mới có biện pháp phù hợp, kịp thời phòng chống dịch bệnh. Nếu đánh giá không đúng tình hình có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Việc áp dụng Chỉ thị số 10 do UBND TP.HCM ban hành ngày 19-6 về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn đã phát huy được kết quả nhất định, nhưng diễn biến của dịch vẫn còn diễn ra phức tạp.
Ông lưu ý, TP.HCM cần có giải pháp quyết liệt, toàn diện hơn nữa trong phòng chống dịch, trong đó việc kiểm soát tại chợ truyền thống. Lấy bài học kinh nghiệm rút ra từ Trung Quốc từ chợ hải sản lây lan dịch bệnh lớn, Phó Thủ tướng cho rằng nếu kiểm soát không khéo sẽ mất kiểm soát, do hiện nay xuất hiện nhiều ca nhiễm từ các khu chợ có mật độ giao thương lớn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị TP thực hiện các biện pháp quyết liệt nhưng phải đảm bảo các chuỗi cung ứng hàng hóa.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị từng địa phương phải đánh giá lại và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt hơn nữa, trong đó xem xét thời gian vừa qua các khâu kiểm tra, giám sát như thế nào.
“Kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng chống dịch trên từng địa bàn để ngày 30-6 chúng ta cùng đánh giá lại xem có tiếp tục giãn cách xã hội hay không. Thông báo trước đây TP tiếp tục giãn cách xã hội 15 ngày bắt đầu từ ngày 0 giờ ngày 15-6 đến 30-6. Như vậy còn 5 ngày nữa thì phải xem, đánh giá các giải pháp, mức độ khi thực hiện, tình hình có kéo giảm, có kiểm soát được hay không, lúc đó mới cho chúng ta quyết định các giải pháp tiếp theo như thế nào”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng đề nghị ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các địa phương và các sở ngành ngồi lại đánh giá, đề ra các giải pháp quyết liệt. Dựa trên cơ sở nội dung các giải pháp của Chỉ thị số 10 đánh giá xem đã triển khai tới đâu, kết quả đạt được những ngày vừa qua như thế nào và những giải pháp sắp tới ra sao.
Nói đến tổ Covid cộng đồng, ông Phong đánh giá tổ này phát huy tốt vai trò nhưng sắp tới phải suy nghĩ cách làm mới. 300 hộ dân phải có 1 tổ Covid cộng đồng và quan tâm đến việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để kịp thời phát hiện những trường hợp có thể lây ra cộng đồng, trường hợp tiếp xúc từ người vùng dịch, trường hợp có nguy cơ cao.
Chú ý không cho tập trung đông người ở các khu vực như công viên, trước cổng bệnh viện, trước cổng các doanh nghiệp, bến xe… Riêng chợ truyền thống, người đứng đầu UBND TP yêu cầu nên tính toán nghiên cứu mô hình của Quận 8 áp dụng cho bán luân phiên tùy từng trường hợp. Các chợ đầu mối phải có phương án cụ thể, yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết thực hiện bộ tiêu chí an toàn, thậm chí phải phải đưa ra mức cụ thể, nếu vi phạm thì tạm ngưng kinh doanh…
N.Trinh
Bình luận (0)