Trẻ 5 tuổi Trường MN Tuổi Thơ 7, Q.3 tham gia dán hình |
Tháng 2-2011, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi (giai đoạn 2011-2015). Theo đó, TP.HCM đã đăng ký với Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thành phổ cập vào năm học 2012-2013. Điều này đã khiến dư luận không khỏi lo lắng, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng đó là điều không thể… Song, bằng mọi nỗ lực, đến thời điểm này, 24/24 quận, huyện của TP.HCM đã hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.
Ngồn ngộn khó khăn…
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người lo lắng TP.HCM sẽ khó hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi theo đúng tiến độ như đã đăng ký với Bộ GD-ĐT. Bởi, trước khi UBND TP phê duyệt đề án PCGDMN, TP.HCM ngồn ngộn những khó khăn.
Trước tiên phải kể đến những khó khăn về trường lớp. Nhiều phường, xã còn trắng trường MN công lập như phường 13 – Q.Phú Nhuận, phường 5 – Q.4, phường 7 và 15 – Q.5, phường 6, 11 và 12 – Q.Gò Vấp, phường Phú Thạnh – Q.Tân Phú… Sĩ số học sinh/lớp quá cao, 40-45 cháu/lớp, thậm chí có những lớp lên tới 60 cháu. Ở các huyện ngoại thành, do diện tích rộng nên mỗi xã có tới 6-7 điểm trường. Điểm nào cũng èo uột, chỉ là một căn nhà cấp 4, thiếu thốn đủ thứ. Theo đó, trẻ chỉ có thể học 1 buổi và các lứa tuổi học chung với nhau (3, 4 tuổi học chung với 5 tuổi). Có không ít phụ huynh cho biết, họ đưa con tới trường là để cô giáo giữ trẻ giùm chứ không phải theo đúng nghĩa của hai chữ “đi học”. Trong khi đó, ở nhiều quận nội thành lại nổi lên thực trạng một số phụ huynh cho con học một buổi ở trường MN, một buổi đi học chữ bên ngoài. Cá biệt, có phụ huynh chỉ cho con học mấy tháng đầu năm, còn những tháng cuối năm bắt trẻ nghỉ để đi học chữ…
Rồi khó khăn về giáo viên, năm nào Sở GD-ĐT TP cũng phải tuyển 3-4 đợt nhưng thiếu vẫn cứ thiếu. Tuyển được người đã khó, giữ người còn khó hơn. Ngay cả các trường MN ở những quận trung tâm cũng rơi vào tình cảnh giáo sinh bỏ nhiệm sở. Giáo sinh nào có tính chịu đựng cao thì dạy được đôi ba tháng, thường thì một tháng, cá biệt có trường hợp chỉ dạy một ngày là… ra đi không trở lại. Cũng phải. Công việc của giáo viên MN quá cực, mỗi ngày làm việc quần quật từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, có khi còn trễ hơn. Giáo viên phải kiêm luôn công việc của ôsin, từ dạy cho trẻ học, tổ chức cho trẻ vui chơi cho đến lau chùi phòng học, chà nhà vệ sinh – những công việc mà ở nhà các cô chưa bao giờ đụng tay tới. Trong khi đó, lương thì ba cọc ba đồng, với một số giáo sinh con nhà khá giả thì mức lương đó chỉ bằng phân nửa tiền tiêu vặt khi còn là sinh viên…
Với một bức tranh ảm đạm như thế này thì ngay cả những người làm trong ngành GD-ĐT cũng phải lo ngại về tính khả thi của đề án PCGDMN chứ đừng nói đến những người ngoài ngành.
… Và về đích đúng kế hoạch
Gò Vấp là một quận có đông dân nhập cư, mỗi năm có cả ngàn trẻ 5 tuổi phát sinh. Theo đó, trường xây bao nhiêu cũng thiếu. Đã vậy, toàn quận vẫn còn 3 phường chưa có trường MN công lập. Chính vì vậy, công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi thật sự là một gánh nặng đối với ngành GD-ĐT.
Biết “nặng” nhưng vẫn phải “gánh”, trong cái khó đã ló cái khôn. 3 phường chưa có trường MN công lập được các phường lân cận hỗ trợ. Cụ thể, Trường MN Vàng Anh (phường 8) nhận trẻ 5 tuổi phường 12, Trường MN Thủy Tiên (phường 10) nhận trẻ 5 tuổi phường 11, Trường MN Quỳnh Hương và Anh Đào (phường 17) nhận trẻ 5 tuổi phường 6. Để vận động tất cả trẻ 5 tuổi ra lớp, ngành GD-ĐT đã thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ bữa ăn cho học sinh thuộc diện hộ nghèo của TP; vận động mạnh thường quân và các nguồn kinh phí của trường hỗ trợ bữa ăn xế cho cháu có hoàn cảnh khó khăn học 2 buổi/ngày. Quận cũng tăng cường công tác xây dựng, sửa chữa như xây mới trên nền đất cũ 2 trường MN Quỳnh Hương và Nhật Quỳnh, mở rộng hơn 1.000m2 Trường MN Vàng Anh… “Công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi đã tạo điều kiện cho các đơn vị được đầu tư xây dựng nâng cấp trường lớp, nâng cao trình độ đội ngũ, trang thiết bị dạy học, đồ dùng – đồ chơi cho các lớp MN 5 tuổi. Riêng trẻ được chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý để sẵn sàng vào lớp 1. Đặc biệt, phường 11 đã xây dựng trường MN công lập, dự kiến tháng 8 -2013 sẽ đưa vào sử dụng; phường 6 đã động thổ xây trường, dự kiến năm 2014 đưa vào sử dụng; còn phường 12 đang ghi vốn”, ông Đặng Thanh Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp phấn khởi cho biết.
Là một quận ven nên Q.12 cũng gặp những khó khăn về trường lớp, giáo viên khi thực hiện đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Toàn quận chỉ có 17 trường MN công lập, còn trường tư thục là 24 trường và 141 nhóm trẻ gia đình. “Để huy động tất cả trẻ 5 tuổi ra lớp, chúng tôi đã chỉ đạo các trường MN ngoài công lập “chia lửa” với trường công lập. Mặt khác, nhờ có đề án PCGDMN mà Q.12 đã có thêm 2 trường MN mới hoàn toàn – một trường xây dựng bằng vốn ngân sách, một trường xây bằng vốn xã hội hóa. Về đội ngũ giáo viên, ngoài tuyển giáo viên có hộ khẩu TP, ngành GD-ĐT quận còn tuyển cả giáo viên KT3, giáo viên tỉnh, rồi đào tạo tại chỗ. Do vậy, đã giải quyết được bài toán thiếu giáo viên. Mỗi năm, UBND quận đều cấp kinh phí cho các trường mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng dạy học cho các lớp 5 tuổi…”, ông Trần Trung Hiếu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 chia sẻ.
Có thể nói, Tân Phú là quận đáng lo ngại nhất khi TP.HCM triển khai thực hiện đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Bởi, Tân Phú là quận mới được tách ra từ Q.Tân Bình nên trường lớp rất thưa thớt, chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu học tập của trẻ trên địa bàn. Ấy vậy mà Tân Phú cũng đã hoàn thành phổ cập theo đúng tiến độ với tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp, học 2 buổi/ngày rất cao. Bà Chung Bích Phượng – Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú vui vẻ cho biết: “Công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn được lãnh đạo quận cũng như các ban ngành rất quan tâm, hỗ trợ. Theo đó, ngoài các trường công lập, ngoài công lập, lãnh đạo quận đã cho ngành GD-ĐT mượn 3 nhà thiếu nhi ở phường Tân Thành, Phú Thạnh và Tân Quý để làm lớp học cho trẻ 5 tuổi. Trong năm học mới 2013-2014, Tân Phú sẽ đưa vào sử dụng một trường MN công lập mới, năm học tiếp theo cũng sẽ có thêm một trường MN công lập mới nữa…”.
Và còn rất nhiều trường MN công lập mới được ra đời nhờ… đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Tình trạng trắng trường MN công lập ở một số quận đã được giải quyết. Các quận, huyện cũng đã chủ động đào tạo và bổ sung đội ngũ giáo viên MN đủ về số lượng lẫn chất lượng…
Bài, ảnh: Triều Hòa
Bình luận (0)