Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Cần đồng bộ các loại hình giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 11-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi thị sát về tình hình quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (CHKQT TSN) và làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về kế hoạch triển khai các dự án phát triển giao thông đô thị.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát tại CHKQT TSN. Ảnh: Q.Huy

CHKQT TSN “tắc” từ dưới đất lên tới… trời

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016 sản lượng hành khách qua Sân bay TSN đạt trên 15,7 triệu hành khách, tăng trưởng 23,1%. Với tốc độ tăng trưởng này, năm 2016 sản lượng sẽ đạt trên 30 triệu hành khách. Trong khi thiết kế của nhà ga hiện nay công suất chỉ phục vụ 25 triệu hành khách.

“CHKQT TSN hiện nay đã tắc cả trên trời, nhà ga và cả phía ngoài đường. Hiện chỉ có 51 vị trí đỗ, trong khi nhu cầu cần khoảng 80 vị trí. Hiện có hai đường băng nhưng chỉ một đường lăn ra vào hai chiều. Tàu bay khi hạ cánh đi vào nhà ga thì tàu bay khác phải chờ. Có tình trạng hết vị trí đỗ nên tàu bay phải chờ trên đường lăn và phải bay vòng trên trời. Có lúc 9 chuyến bay phải bay vòng trên trời”, ông Thanh nói.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi thị sát và kiểm tra tiến độ thi công công trường nhà ga tuyến Metro số 1 (Bến Thành Suối Tiên).

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cho biết, hiện nay gói thầu số 1a (xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) dự kiến khởi công vào tháng 10-2016 và hoàn thành năm 2020. Đối với gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát TP đến ga Ba Son), khối lượng thực hiện tổng thể đạt 35%, dự kiến đến năm 2019 sẽ hoàn thành. Gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương) đến nay đạt khoảng 58% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành vào năm 2018, khai thác vận hành vào cuối năm 2020. Gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt khoảng 10% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.

Về giải pháp, ông Thanh cho biết: Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Quốc phòng để bàn giao khoảng 21ha đất quốc phòng nhằm mở rộng thêm 50 vị trí sân đỗ và đường lăn. Cùng với đó làm một nhà ga lưỡng dụng và mở thêm đường ra hướng Cộng Hòa để giảm tải cho đường Trường Sơn.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cũng cho biết sẽ xây dựng cầu vượt ở trước khu vực sân bay để giảm ùn tắc trên đường Trường Sơn. Phân luồng các tuyến đường để hạn chế phương tiện đi qua đường Trường Sơn, giảm tải cho Sân bay TSN.

TP cần phát triển cả đường bộ, đường sắt…!

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Bùi Xuân Cường – Sở GTVT TP đã nêu ra những giải pháp nhằm giảm tải giao thông trên địa bàn trong thời gian tới của TP.HCM. Đó là quy hoạch cảng Cát Lái, hiện đang mở rộng sang khu vực Đồng Nai (cảng Phú Hữu). TP kiến nghị Chính phủ bổ sung quy hoạch một số tuyến giao thông trọng điểm như tuyến số 5 (TP đã sắp xếp đủ vốn), cho TP được phân kỳ về vốn; về cảng biển cho điều chỉnh quy hoạch 1/500… TP đang phối hợp với Viện Chiến lược của Bộ GTVT để lập kế hoạch về giao thông cá nhân.

Tham dự buổi làm việc, ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ GTVT và Trung tướng Trần Đơn – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đều ủng hộ các đề xuất của TP.HCM…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Hạ tầng giao thông của TP.HCM ngày càng chật hẹp. Giao thông của TP mới chỉ là giao thông “mặt bằng”, chưa có giao thông ngầm, không gian đã làm hạn chế quá trình phát triển của TP. Vì vậy, việc đề ra các giải pháp, quy hoạch hạ tầng là cách làm rất bài bản, rất khoa học của TP.HCM. Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM phải rà soát lại quy hoạch giao thông, hạ tầng, điều chỉnh cho phù hợp. Cần sự đồng bộ giữa các loại hình giao thông (đường sắt; đường biển, đường không…) và kết nối vùng cho tốt.

Riêng về CHKQT TSN, Phó Thủ tướng cho rằng, dự kiến năm 2025, sản lượng hành khách qua đây là 50 triệu lượt, trong khi năm 2025 Sân bay quốc tế Long Thành mới đưa vào khai thác giai đoạn 1. Như vậy, việc đảm bảo vận tải và an toàn bay cho hành khách qua TSN đến năm 2025 là thách thức rất lớn. Trước mắt, Bộ GTVT cần chỉ đạo chặt chẽ để đảm bảo tuyệt đối an toàn bay cho hành khách. Các đơn vị liên quan phải tổ chức, điều hành giao thông ra vào sân bay hợp lý. Trước mắt phải nâng cấp các sân bay vệ tinh theo kế hoạch trung hạn.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng quy hoạch vùng, nhằm đảm bảo an toàn cho ngành hàng không; Bộ Quốc phòng sớm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về đề án, trong đó có dự án về nâng cao năng lực vận tải của CHKQT TSN, bao gồm việc đầu tư thêm nhà ga hành khách (trên 10 triệu hành khách/năm) và đầu tư đường băng…

Lê Quang Huy

Bình luận (0)