Việc huy động nguồn lực xã hội cho nghệ thuật biểu diễn ở TP.HCM không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn tạo ra cơ hội và không gian sáng tạo mới cho nghệ sĩ. Khi đó, nghệ sĩ có thể dễ dàng tiếp cận không gian sáng tạo, phát triển ý tưởng mới, thực hiện các dự án nghệ thuật độc đáo mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khán giả.
Đó là chia sẻ của các đại biểu tại tọa đàm khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2021-2035” do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp với Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại TP.HCM tổ chức mới đây.
Cần ưu đãi cho nhà tài trợ
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, TP.HCM là trung tâm văn hóa và nghệ thuật hàng đầu cả nước, nổi tiếng với sự phong phú và đa dạng của nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và kết nối với các nhà tài trợ và nguồn lực cho nghệ thuật ở TP.HCM đang gặp một số thách thức nhất định. Để giải quyết thách thức, TP.HCM cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các nhà tài trợ và người đóng góp cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, Nhà nước cần xem xét hoàn thiện các chính sách thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động đóng góp và tài trợ cho nghệ thuật biểu diễn, gồm miễn thuế hoặc giảm thuế cho các khoản tài trợ và đóng góp cho nghệ thuật.
Bên cạnh đó, TP tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về nhu cầu và lợi ích của việc hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn. Tổ chức những buổi hội thảo, khóa đào tạo và chương trình truyền thông về nhu cầu và lợi ích của việc hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà tài trợ và người làm nghệ thuật để tăng cường sự hiểu biết và kỹ năng chuyên môn. Các chương trình này có thể bao gồm thông tin về giá trị và tác động của nghệ thuật biểu diễn đối với cộng đồng và xã hội, cũng như các cơ hội và lợi ích mà các nhà tài trợ và người đóng góp có thể nhận được. “Ngoài ra, TP cần xây dựng mạng lưới kết nối và hợp tác giữa các nhà tài trợ và người làm nghệ thuật. Để thực hiện được các giải pháp này, cần sự đồng lòng và hợp tác từ phía cộng đồng, doanh nghiệp, và Nhà nước. Chúng ta cần tạo ra một môi trường thúc đẩy và hỗ trợ cho việc huy động nguồn lực xã hội, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực này”, ông Sơn nhấn mạnh.
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, ngày 1-12-2022, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2940/QĐ-SVHTT về việc phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TP, giai đoạn 2021-2035”. Ngành văn hóa TP.HCM xác định mục tiêu phát triển TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực, phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh đang được TP phấn đấu thành hiện thực trong thời gian tới. Việc khuyến khích các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TP là cơ hội để TP thực hiện các mục tiêu trên. Do đó, TP rất cần sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội”. |
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa nghệ thuật trước hết chúng ta cần đánh giá, phân loại chi tiết các loại dự án, loại hình hoạt động văn hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách pháp luật tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, khả thi để huy động nguồn lực xã hội, trọng tâm là hệ thống pháp luật về thuế, đầu tư. Theo đó, TP cần phát triển các công cụ chính sách gồm Luật Thuế, chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong xã hội đầu tư cho văn hóa thông qua các quỹ văn hóa nghệ thuật, thu hút các tài trợ của doanh nghiệp bằng chính sách giảm trừ thuế, tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Xây dựng luật về quỹ là ưu tiên hàng đầu mà chúng ta cần phải xây dựng. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, của các tổ chức và cá nhân vận động quyên góp, các cơ chế giám sát của xã hội khi thực thi vận động và tài trợ trong xã hội đối với phát triển văn hóa”, ông Sơn ý kiến.
Xây dựng dự án khởi nghiệp
PGS.TS Lâm Nhân – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho hay từ nhiều năm nay, khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đây cũng là một trong những giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội đóng góp cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật ở TP.HCM. Tuy nhiên để tham gia tuyển chọn các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng cần chú ý. Văn hóa nghệ thuật không trực tiếp nằm trong danh sách lĩnh vực ưu tiên. Chính vì vậy, cần lồng ghép văn hóa nghệ thuật với các lĩnh vực ưu tiên như: Văn hóa nghệ thuật và công nghệ giáo dục, văn hóa nghệ thuật trong phát triển bền vững, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. “Các đề xuất dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần dựa theo các tiêu chí: Tính sáng tạo, năng lực tổ chức thực hiện, hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội, thị trường tiềm năng, ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh”, PGS.TS Nhân chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)