Kinh tế - Giáo dục

TP.HCM cần quyết liệt thúc đẩy tổng cầu trong 6 tháng cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, TP.HCM cần quyết liệt hơn với các giải pháp thúc đẩy tổng cầu trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là những chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Người lao động tham gia một hoạt động sản xuất

Thông tin dự báo này vừa được đưa ra trong “Báo cáo kinh tế TP.HCM: Phục hồi và thách thức” – ấn phẩm nghiên cứu khoa học do ĐH Kinh tế TP.HCM phối hợp Cục Thống kê TP.HCM thực hiện.

 

Khả năng nền kinh tế không trở lại trạng thái trước dịch Covid-19

 

Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu nhận định, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình hồi phục sau một thời kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục kinh tế thế giới đã không diễn ra nhanh, mạnh như kỳ vọng và nhiều khả năng sẽ không quay trở lại trạng thái như trước đại dịch. Thay vào đó, nền kinh tế thế giới đang từng bước chuyển mình và tìm cách thích nghi với những sự thay đổi ngày càng trở nên sâu sắc.

Còn kinh tế TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong 6 tháng đầu năm 2024 đều đạt được tốc độ tăng trưởng tích cực, tiếp tục đà phục hồi sau một thời kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Những con số tăng trưởng này phản ánh tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ vẫn đang tiếp tục phục hồi một cách ổn định.

Tại TP.HCM, tiêu dùng là một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phục hồi của tổng cầu. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của tiêu dùng vẫn chưa cao. Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu cũng là một yếu tố góp phần vào sự phục hồi của tổng cầu. Trong khi đó, đầu tư đang phục hồi với một tốc độ khá khiêm tốn. Đầu tư tư nhân đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và các doanh nghiệp nội địa đang gặp nhiều khó khăn, trong khi giải ngân đầu tư công vẫn còn khá chậm.

 

Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm ra sao?

 

Theo nhóm nghiên cứu, triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 của TP.HCM trước hết phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới. Nhóm nghiên cứu đánh giá nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà phục hồi tiệm tiến trong 6 tháng cuối năm 2024. Hoạt động xuất khẩu của TP.HCM sẽ tiếp tục nhận được những lực kéo thuận lợi từ hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Tăng trưởng trong xuất khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phục hồi của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TP.HCM.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM đang có xu hướng nhỉnh hơn mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên tốc độ hồi phục của tiêu dùng nhìn chung sẽ mang tính tiệm tiến do tâm lý phòng ngừa của người dân trước những rủi ro và bất định của nền kinh tế. Đây là phản ứng bình thường của người dân, tiêu dùng nhìn chung phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng của người dân về nền kinh tế và thu nhập trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, tình hình của các doanh nghiệp quốc nội trên địa bàn TP.HCM là điều cần phải chú ý hơn trong 6 tháng cuối năm 2024. Nhóm nghiên cứu đánh giá, tăng trưởng đầu tư trên địa bàn TP.HCM đang có xu hướng thấp hơn mặt bằng chung cả nước. “Trong bối cảnh nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi và mặt bằng lãi suất cho vay đang tăng lên, các doanh nghiệp nội địa có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2024. Đây là điểm nóng mà TP.HCM cần phải tập trung theo dõi” – báo cáo nêu.

Cần nỗ lực giải ngân đầu tư công, đặc biệt các dự án trọng điểm

Gợi ý chính sách thúc đẩy tổng cầu, nhóm nghiên cứu cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2024, TP.HCM nên tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích thích tiêu dùng của người dân. Nghiên cứu kết nối các chương trình này với những sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để tăng hiệu ứng lan tỏa…

TP.HCM cần tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp quốc nội nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân. Thứ nhất, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng để duy trì, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Thành phố cần tìm ra những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng. Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Thành phố phải nhanh chóng đánh giá một cách chi tiết hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp để kịp thời đưa ra những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội đến từ sự phục hồi của thị trường thế giới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, thành phố nên tận dụng thời cơ này và tranh thủ thời gian để giảm mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu.

Ngoài ra, thành phố cần nỗ lực hết sức trong 6 tháng cuối năm để giải ngân đầu tư công nhanh hơn; đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm. Bên cạnh đóng góp trực tiếp của các khoản chi đầu tư công vào tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm sẽ góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh và gia tăng lợi nhuận; từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 

Nhanh chóng kích cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa

 

Trong 6 tháng cuối năm 2024, xuất khẩu của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả các nền kinh tế này đều đang phải đối mặt với các vấn đề khó khăn riêng và chưa thực sự đi vào quỹ đạo hồi phục một cách vững chắc. Vì thế rủi ro và bất ổn vẫn có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất một nhóm chính sách quan trọng mà TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung cần chú trọng nhiều hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 là nhanh chóng kích cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa. Nhóm chính sách này vừa giúp tổng cầu hồi phục nhanh hơn vừa giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, qua đó giảm thiểu tính chu kỳ của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế thế giới. Vấn đề này sẽ càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung phải thích nghi với nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên rủi ro và bất định.

“Nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, cộng thêm việc TP.HCM quyết liệt triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp thì cả năm 2024, thành phố có thể đạt mức tăng trưởng 7%-7,5%” – nhóm nghiên cứu dự báo.

Nhóm này cũng nhấn mạnh rằng quan trọng hơn cả con số tăng trưởng năm 2024, TP.HCM cần tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Đây là yếu tố then chốt giúp thành phố nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)