TP.HCM xác định tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) đến năm 2030, TP trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng TP cần xây dựng phát triển đồng bộ hệ sinh thái cơ chế, hạ tầng, dữ liệu – ứng dụng, nhân lực, vốn, an ninh an toàn thông tin, văn hóa số… Và hơn hết cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo TP trong công tác này mới có thể tạo ra sự đột phá.
Năm 2021, chuyển đổi số đã phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM
Kho dữ liệu dùng chung chưa đầy đủ
Một trong những tồn tại trong CĐS hiện nay là kho dữ liệu dùng chung chưa đầy đủ. Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) – cho biết, nhiều doanh nghiệp đang tiếp cận việc CĐS phải cần đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, khi HUBA lập danh sách các nhà cung ứng có thương hiệu, uy tín về CĐS để cung cấp cho doanh nghiệp thực hiện còn rất khó khăn, chỉ tìm được vài đơn vị.
“Các dữ liệu doanh nghiệp muốn thực hiện CĐS đang cần bao gồm khai thuế, hải quan, hóa đơn điện tử, kế toán, nhân sự, nguyên vật liệu, đầu vào/ đầu ra hàng hóa…”, ông Hưng nói.
Theo ông Ngô Diên Hy – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), TP.HCM nên tập trung nâng cấp dịch vụ hành chính công – một cửa điện tử liên thông nhằm đáp ứng yêu cầu số hóa hồ sơ giấy tờ, thủ tục hành chính, từ đó thúc đẩy hành chính công trực tuyến. Chính phủ chuẩn bị ban hành chiến lược về dữ liệu, là đầu tàu kinh tế năng động, TP.HCM cần đi đầu trong việc xây dựng chiến lược này.
“Có thể ban hành ngay kiến trúc dữ liệu của TP, bao gồm tất cả các đối tượng, thị trường dữ liệu. Đây sẽ là cẩm nang quan trọng trong hoạch định chiến lược CĐS của TP và là đầu vào để có được kho dữ liệu dùng chung. Cùng với đó, cần phát triển đội ngũ khai thác hoặc kết hợp trong việc khai thác dữ liệu”, ông Hy nói.
Đơn cử về đất đai trên địa bàn TP.HCM, theo ông Hy, hệ thống thông tin lĩnh vực này đang triển khai riêng lẻ, cần được tổng hợp, kiểm kê đầy đủ về quy hoạch, giá cả. Khi có được dữ liệu đầy đủ sẽ kết nối thêm các lĩnh vực đầu tư công, thuế, ngân hàng, công chứng và trở thành nguồn dữ liệu chung.
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn bày tỏ luôn sẵn sàng tham gia vào công cuộc CĐS của TP, tuy nhiên rất cần đến sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo TP.
Ông Nguyễn Hải Long – Phó Chủ tịch Hội tin học TP.HCM – thông tin, Hội tin học TP và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn TP đang chờ đợi một sự hiệu triệu, một cuộc cách mạng thật sự trong việc thúc đẩy các hoạt động CĐS trên địa bàn. TP cần xem CĐS như là một mệnh lệnh theo kiểu vươn lên mạnh mẽ hoặc sụp đổ.
Việc khai thác tối đa tài nguyên số đã mang lại lợi ích rất lớn cho TP.HCM. Năm 2021, CĐS đã phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Các mô hình kinh doanh, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến được nhiều người dùng và doanh nghiệp áp dụng; đáp ứng nhu cầu của thị trường bán lẻ hàng, nhất là mặt hàng lương thực thực phẩm. Trong năm 2022, chương trình CĐS và Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh sẽ được triển khai đồng bộ trên 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, TP sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp lớn như đổi mới và nâng cao nhận thức về CĐS; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; phát triển nguồn nhân lực; an toàn thông tin. |
Ông Long cho biết, việc áp dụng CĐS vào nền hành chính công chắc chắn sẽ tạo ra mô hình hành chính công phục vụ kinh tế TP theo phương thức mới, ví dụ thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu phải bắt đầu từ người đứng đầu TP với sự chỉ đạo, triển khai từ trên xuống đến các sở ngành, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần xây dựng khung pháp lý và cơ chế thí điểm để các thành phần ngoài công lập tham gia khai thác hệ thống dữ liệu cùng với cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, để làm đầy kho dữ liệu dùng chung, cần quy định rõ các công trình xây dựng trên địa bàn trước khi hoàn công phải nộp hồ sơ số cho TP để cập nhật vào kho dữ liệu dùng chung. Cách làm này vừa tiết kiệm ngân sách, không cần phải số hóa lại, vừa có thể khai thác ngay dữ liệu để phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Doanh nghiệp nên tham gia đào tạo nhân lực
Những năm gần đây, ĐH Quốc gia TP.HCM đã phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng đề án đào tạo nhân lực số phục vụ CĐS, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số. Mục tiêu chính của đề án là tận dụng công nghệ nâng chỉ tiêu chất lượng đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, để hoạt động đào tạo thực sự hiệu quả, ông Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng, cần có sự đồng hành của UBND TP và các doanh nghiệp trong quá trình này. Đặc thù nhân lực ngành công nghệ thông tin có tuổi đời rất ngắn, đòi hỏi quy trình đào tạo phải thay đổi. Sự tham gia của UBND TP, doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng các tài năng sẽ đáp ứng nhu cầu trẻ hóa đội ngũ. Riêng mục tiêu dài hạn, ĐH Quốc gia TP đã xây dựng chương trình ươm mầm tài năng trí tuệ nhân tạo cho học sinh, với nguồn vốn 25 tỷ đồng. Ngoài ra ĐH Quốc gia TP cũng dành một phần ngân sách đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu tiên tiến và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó còn 8 héc ta đất sạch sẵn sàng xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…
Từ những điều kiện này, ĐH Quốc gia TP mong muốn doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng, đặt các phòng thí nghiệm hợp tác nghiên cứu, đặc biệt là khai thác trí tuệ nhân tạo; UBND TP tài trợ chương trình ươm mầm các startup sinh viên, học sinh để nơi đây thực sự là không gian nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp của các bạn trẻ.
“Chủ trương xuyên suốt của ĐH Quốc gia TP phải là “hạt nhân” của TP.Thủ Đức và là điểm kết nối của TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ”, ông Quân nói.
Trả lời cho câu hỏi làm thế nào kích cầu cho doanh nghiệp tham gia vào CĐS, ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch HUBA – kiến nghị TP nên có cơ chế đột phá dẫn dắt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái CĐS chung của TP. Cần có cơ chế chính sách kích cầu, tài trợ một phần kinh phí thúc đẩy doanh nghiệp CĐS, cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ phát triển khoa học – công nghệ vào CĐS.
“CĐS phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tài chính, tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. Tại TP.HCM, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 70% còn gặp khó khăn về vốn để tiếp cận khoa học công nghệ và thiếu thông tin. Họ rất cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập hiện nay”, ông Hưng cho hay.
Minh Phương
Bình luận (0)