Đường bị trùng tên, viết sai tên danh nhân, tên đường thiếu tính thẩm mỹ, sử dụng tên đường do nhân dân “sáng tác”… là những vấn đề đã được đề xuất chấn chỉnh nhằm đảm bảo tính chính xác, tạo thuận lợi trong giao dịch dân sự và đời sống của người dân.
Tên đúng tên đường này phải là Trương Quốc Dụng. Ông Trương Quốc Dụng là nhà văn, nhà sử học, nhà thiên văn nổi tiếng và có công chấn hưng lịch pháp thời nhà Nguyễn |
Khoảng 400 tên đường “có vấn đề”
Trong đề án Đặt, đổi tên đường, công trình công cộng đến năm 2020 do Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển trình UBND TP.HCM vừa qua cho thấy, trong hơn 3.600 con đường tại TP, thì có khoảng 400 tên đường “có vấn đề”.
Trong đó, vấn đề quan trọng được lưu tâm hàng đầu là tình trạng tên đường viết sai tên danh nhân. Tiêu biểu như đường Lương Nhữ Học ở quận 5 (tên đúng phải là Lương Như Hộc). Theo giải thích của các nhà sử học, Lương Như Hộc là một vị quan, một danh sĩ thời hậu Lê, là người hai lần làm sứ giả sang Trung Quốc và có công truyền lại nghề khắc bản gỗ in cho dân làng Liễu Tràng, Hồng Lục (Hải Dương ngày nay). Tương tự, tên đường Trương Quốc Dung ở quận Phú Nhuận (tên đúng phải là Trương Quốc Dụng). Ông Trương Quốc Dụng, là nhà văn, nhà sử học, nhà thiên văn nổi tiếng và có công chấn hưng lịch pháp thời nhà Nguyễn. Khu lăng mộ của ông ở xã Thạch Khê (Hà Tĩnh) đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 31-7-2009. Trên địa bàn quận Thủ Đức, tên đường Kha Vạn Cân cũng bị ghi sai (tên đúng là Kha Vạng Cân). Kha Vạng Cân là một kỹ sư, đồng thời là một nhân sĩ trí thức nổi tiếng của miền Nam, từng tham gia kháng chiến chống Pháp và đặc biệt ông nguyên là Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bên cạnh đó, một số tên đường khác cũng bị ghi sai lệch như Trần Khắc Chân (tên đúng là Trần Khát Chân), đường Nơ Trang Long (tên đúng là N’ Trang Long), đường Hà Tôn Quyền (tên đúng là Hà Tông Quyền), Đoàn Như Hài (tên đúng là Đoàn Nhữ Hài)…
Bên cạnh tình trạng tên đường viết sai tên danh nhân, vấn đề trùng tên (một tên đường được đặt ở nhiều quận) cũng gây ít nhiều phiền phức cho người dân. Theo thống kê, trên địa bàn TP có khoảng 280 đường đặt trùng tên, gây khó khăn cho giao dịch của người dân và sự quản lý của Nhà nước. Từng là “nạn nhân” của tình trạng này, chị Vũ Thị Ngọc Tuyết, nhân viên công ty Trung Nguyên cho biết, có lần chị có hẹn gặp người quen trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1), nhưng đến giờ gặp mặt, thì người được hẹn cho biết đang chờ Tuyết ở đường Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình). Tên đường này mới chỉ có mặt ở 2 quận mà đã gây nhầm lẫn cho người dân, thì huống gì những tên đường được đặt ở 3 hoặc 5 quận thì còn phiền đến cỡ nào. Chẳng hạn như đường Nguyễn Công Trứ ở quận 1, nhưng cũng có mặt ở quận 9, Bình Thạnh và Thủ Đức; đường Lê Lợi có mặt ở 5 quận là quận 1, quận 9, Tân Bình, Gò Vấp và Thủ Đức; đường Quang Trung được đặt ở 4 nơi là quận 9, Gò Vấp, Củ Chi và Hóc Môn.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường rà soát và điều chỉnh những tên đường trùng nhau, tên khác nhau của cùng một danh nhân, đề xuất những tên đường mới bổ sung cho quỹ tên đường của TP… Tuy nhiên, bà cũng lưu ý cần có sự điều chỉnh tên đường bằng một lộ trình phù hợp hoặc ghi chú trên bảng tên đường để hạn chế chi phí và tránh gây xáo trộn đời sống của người dân. |
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại hàng loạt tên đường có vấn đề cần khắc phục như đường Kênh Nước Đen (quận Tân Phú) kém tính thẩm mỹ, đường do người dân tự “sáng tác” nghe rợn người như đường Mẫu giáo nghĩa địa gần khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) và hàng loạt tên đường viết tắt mang tính đánh đố, gây khó hiểu, khó nhớ trên địa bàn huyện Hóc Môn và quận 12 như XTT 4 (XTT: từ viết tắt của Xuân Thới Thượng), XTT 8-7A, TMT 01 (TMT: từ viết tắt của Trung Mỹ Tây), TMT 02, TMT 2A, TMT 14A…
Cần có sự chấn chỉnh
Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đề án Đặt, đổi tên đường, công trình công cộng đến năm 2020, trong tổng số 3.600 con đường ở TP, thì có 1.774 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường “có vấn đề”. Nghĩa là TP cần khoảng 2.100 tên để đặt hoặc đổi tên cho các con đường trên. Theo đó, nhóm kiến nghị TP cần có sự điều chỉnh, đổi những tên đường trùng nhau, thay thế những tên đường thiếu tính thẩm mỹ, cần có ghi chú trên những bảng tên đường không chính xác hoặc viết tắt để người dân biết rõ…
Để làm được điều này, nhóm nghiên cứu đề xuất mở rộng phương cách đặt, đổi tên đường tại TP.HCM bằng tên các đặc sản của TP.HCM và Nam bộ, tên các loài hoa (hoa đào, bằng lăng, cát tường…), tên các động vật đẹp (phượng hoàng, sơn ca, họa mi…), những hình tượng gắn liền với thiên nhiên, vũ trụ (thiên hà, sao mai…), tên các danh nhân người nước ngoài có công với nhân loại và có ảnh hưởng đến Việt Nam…
Được biết quy trình đổi tên đường hiện nay còn trải qua nhiều khâu như UBND quận huyện đề xuất, Sở Văn hóa – Thể thao biên soạn, trình Hội đồng đặt đổi tên đường, báo cáo với UBND TP, HĐND ra nghị quyết tên đường và khâu cuối cùng là UBND TP ra quyết định đặt tên đường. Do đó, nhóm nghiên cứu đề án đề xuất TP cải tiến quy trình đặt đổi tên đường, nhằm tạo điều kiện cho công tác điều chỉnh được thực hiện thuận lợi và có hiệu quả.
Vũ Phương
Bình luận (0)