Sau hai ngày tạm hết vaccine bệnh dại do nhu cầu tiêm ngừa tăng đột biến, Viện Pasteur TP.HCM cho biết loại vaccine này đã có lại từ chiều 4-4, nên người dân không phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi tiêm phòng khi hết hàng như trước đó.
96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á là do chó cắn |
Tiêm ngừa bệnh dại tăng vọt
BS Trần Quốc Tuấn (Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM) lưu ý, bệnh nhân bị chó dại cắn, nếu không đến chích ngừa sau quá một tuần (kể từ khi bị chó cắn), thì khả năng mắc bệnh dại rất cao. Và khi đã bị bệnh dại thì biến chứng nguy hiểm nhất là viêm não. Đây là biến chứng có thể gây tử vong 100%. Do đó, trong bối cảnh bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, thì biện pháp hữu hiệu nhất là triển khai quản lý vật nuôi. Đặc biệt, cần tiêm vaccine phòng ngừa và huyết thanh kháng dại cho cả người và động vật, kể cả vật nuôi trong gia đình. |
Đến chích ngừa vaccine bệnh dại tại Viện Pasteur TP.HCM vào sáng 13-4, trong tình trạng vết thương ở chân trái vẫn chảy máu, Lê Thị Mai (ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) cho biết, bà bị chó nhà nuôi (nặng khoảng 8kg) cắn vào ngày 12-4 khi cho chó ăn. Theo lời bà Mai, lúc vừa đặt dĩa đồ ăn xuống thì con chó bất ngờ nhảy xổ vào bà và liên tục táp vào bắp chân trái khiến máu me bê bết. Nhân viên phòng khám tư nhân gần nhà đã khâu vết thương ở chân bà Mai tổng cộng 15 mũi bởi vết thương hở miệng và có độ sâu. BS Viện Pasteur dặn bà Mai phải theo dõi sức khỏe của con chó trong 10 ngày. Vào buổi sáng cùng ngày, ông Doan Anh Hai (63 tuổi), đang sinh sống tại khu dân cư Mỹ Phước 3 (Quốc lộ 13, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cũng đến Viện Pasteur để tiêm mũi thứ 3 phòng bệnh dại. Ông Hai cho biết, vào ngày 5-4, khi con chó nhà nuôi và chó nhà hàng xóm đang “yêu nhau”, ông đã dùng cây “can ngăn” liền bị cả hai con hung hãn cắn phập vào hai chân.
Tương tự, Trung tâm Tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn (VNVC – quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng là nơi đã tiếp nhận nhiều trường hợp đến chích ngừa sau khi bị chó cắn, hoặc tiêm ngừa chủ động do làm những ngành nghề liên quan đến thú y. Theo số liệu từ Trung tâm VNVC, khoảng 10 ngày trở lại đây, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 70-80 người đến tiêm ngừa bệnh dại, trong khi trước đây mỗi ngày trung bình chỉ có khoảng 30-50 trường hợp.
Theo khuyến cáo của giới y tế, các địa phương đang vào mùa nắng nóng nên bệnh dại ở vật nuôi có điều kiện bùng phát mạnh. PGS.TS Trần Như Dương (Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) khuyến cáo, bệnh dại có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường tăng cao hơn vào mùa hè nắng nóng. Cụ thể, thời tiết nóng ẩm khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là môi trường thuận lợi cho vi rút dại phát triển. Chưa kể vào lúc nắng nóng, những con chó bị bệnh dại hoặc cả những chú chó nuôi trong gia đình cũng dễ bị kích thích, trở nên hung dữ hơn và dễ tấn công người. Do đó, sau khi bị chó cắn, người dân cần đến các trung tâm tiêm phòng để được BS thăm khám và chỉ định can thiệp phù hợp, kịp thời.
Không lo “đứt đoạn” do hết vaccine
Theo Viện Pasteur TP.HCM, vaccine tiêm ngừa bệnh dại đang được sử dụng tại Việt Nam gồm hai loại là Verorab (của Pháp) và Abhayrab (của Ấn Độ). Sau hai ngày hết nguồn dự trữ (ngày 2 và ngày 3-4), vào chiều 4-4, Viện Pasteur đã có lại hai loại vaccine Verorab và Abhayrab. Thực tế, Verorab được sử dụng nhiều hơn, nhưng loại vaccine này chỉ có số lượng hạn chế, có khả năng đến cuối tháng mới được cung cấp nhiều trở lại. Tình trạng này khiến một số người đang theo phác đồ tiêm ngừa lo ngại. Bà Lê Thị Mai (ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) cho biết bà mới tiêm được mũi thứ nhất trong phác đồ tiêm 5 mũi, nhưng rất lo “trong trường hợp tiêm chưa xong theo phác đồ mà lại hết vaccine thì không biết phải làm sao?”.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á là do chó cắn. Virus dại xâm nhập vào hệ thần kinh của động vật có vú, chủ yếu lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại phát triển trong mô dưới da, cơ bắp, các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính khoảng 12-24 mm mỗi ngày. Người bị nhiễm bệnh có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi virus bắt đầu xâm nhập vào não bộ. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài tới 1 năm. |
Giải đáp vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Minh Ngọc (Phó Trưởng khoa Xét nghiệm sinh phẩm lâm sàng, Viện Pasteur) cho biết, công văn mới nhất của dự án quốc gia về phòng chống bệnh dại (ngày 6-4-2018) quy định, trong trường hợp bất khả kháng, có thể hoán đổi việc sử dụng những loại vaccine có cùng bản chất giống nhau, nhưng không được thay đổi đường tiêm. Do đó, nếu trong trường hợp đang tiêm vaccine Verorab mà gặp lúc nguồn cung không còn, thì các mũi tiêm tiếp theo có thể chuyển sang tiêm loại Abhayrab để tiếp tục hoàn thành phác đồ tiêm như đã chỉ định.
Vũ Phương
Bình luận (0)