Dù Bộ GTVT đã bác đề xuất thí điểm mô hình xe buýt mini do chưa có cơ chế, nhưng TP.HCM vẫn tiếp tục xin được “xé rào” để phát triển loại hình vận tải giao thông công cộng này.
Thực tế giao thông của TP.HCM được cho là cần có xe buýt mini. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TP đề xuất Chính phủ chấp thuận cho TP được triển khai phát triển loại hình xe buýt cỡ nhỏ.
Hơn 50% đường không đủ cho xe buýt chạy
Theo Sở GTVT TP.HCM, thời gian qua, mặc dù có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của vận tải hành khách công cộng, song cấu trúc mạng lưới giao thông đô thị hiện hữu với nhiều tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ đang cản trở rất nhiều trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP.
Phương án thí điểm tại 2 khu vực,1 quận ngoại thành và 1 quận khu vực trung tâm nhiều tuyến đường, hẻm nhỏ là phương án tốt để đo đếm nhu cầu người dân và để họ thấy ưu việt của xe buýt mini, từ đó mở rộng thêm theo tình hình thực tiễn, không gây áp lực lên hạ tầng hiện hữu.
Ông Hà Ngọc Trường
|
Cụ thể, xe buýt hiện nay chủ yếu hoạt động trên các tuyến đường có bề rộng mặt đường tối thiểu trên 10 m chiếm khoảng 41,81% mạng lưới đường bộ. Trong tổng số 4.938 tuyến đường trên địa bàn TP, có tới khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7 m với chiều dài 2.544,7 km, tương đương 55,52% tuyến đường hiện nay có bề rộng không đủ để tổ chức hoạt động xe buýt. Theo khảo sát, 85% người dân TP sống trong hẻm.
Với đặc thù này, cộng với sự tăng trưởng ngày càng lớn của phương tiện cá nhân, người dân không lựa chọn xe buýt, sản lượng hành khách đi xe buýt ngày càng sụt giảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông tại TP.
Đánh giá việc phát triển loại hình xe buýt có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ sẽ đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, từ năm 2017, TP.HCM đã bắt đầu nghiên cứu đề án thí điểm xe buýt mini. Theo đó, đề xuất xây dựng 30 tuyến buýt cỡ nhỏ với 350 xe 12 chỗ có khả năng di chuyển đón khách tại các hẻm rộng từ 4 – 6 m. Xe buýt mini có chức năng trung chuyển, gom khách kết nối đến xe buýt chính, gắn chặt với hoạt động đưa rước học sinh và sau này là đầu mối chuyển khách tới các tuyến metro. Mục tiêu trong bán kính không quá 200 – 500 m, người dân có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm giao thông công cộng.
Đến giữa năm 2020, Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo Bộ GTVT đề xuất của Công ty TNHH Busgo mở 6 tuyến buýt mini loại 17 ghế ngồi kết nối giữa Q.1 với các quận 2, 7 và 9, phục vụ người dân ở các tuyến đường nhỏ, hẻm.
Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã bị Bộ GTVT bác với lý do không phù hợp với quy định của luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, cũng như Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Trong văn bản mới nhất, Sở GTVT TP.HCM đã dẫn Nghị quyết số 12 của Chính phủ, trong đó có yêu cầu UBND các TP: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM “tiếp tục xã hội hóa phát triển vận tải hành khách công cộng và dịch vụ hỗ trợ vận tải; lựa chọn xe buýt có sức chứa phù hợp với hạ tầng và nhu cầu đi lại” và tiếp tục đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho TP.HCM được triển khai dịch vụ xe buýt bằng phương tiện có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ nhằm đáp ứng được nhu cầu đi lại trong đô thị theo đặc thù của TP.HCM.
Xe buýt mini là bắt buộc
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, cho rằng một số nước và lãnh thổ có hệ thống giao thông công cộng phát triển như Singapore, Hồng Kông… sử dụng cả 3 loại gồm xe buýt thường, buýt nhanh (BRT) và buýt 2 tầng. Phổ biến vẫn là xe buýt thường có sức chở tối đa 80 khách. TP.HCM cũng nên sử dụng đa dạng các chủng loại buýt, trong đó bắt buộc phải có xe buýt mini sức chứa từ 16 – 30 chỗ. Đây là phương tiện quan trọng vì TP có nhiều hẻm, đường nhỏ, xe buýt lớn đi vào sẽ gây tắc đường và lưu lượng khách không đủ để chạy nhiều tuyến. Xe buýt mini linh hoạt, nhỏ gọn sẽ phát huy hiệu quả tốt.
“Trong tình hình đầu tư hệ thống metro gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính, TP nên lập đề án phát triển mạnh xe buýt và các phương tiện vận tải hành khách công suất nhỏ, phát triển hạ tầng phù hợp, thuận lợi cho xe buýt hoạt động, đồng bộ với các chính sách hạn chế xe cá nhân, tiến tới loại bỏ xe máy trong nội thành sau 10 – 12 năm. Nếu không phát triển được xe buýt và các phương tiện giao thông công suất nhỏ, mạng lưới metro cũng sẽ hoạt động không hiệu quả vì nhiều người dân không sống và làm việc gần bến metro, họ cần được kết nối bằng các phương tiện giao thông công cộng khác”, vị này nhận định.
Đồng tình, ông Hà Ngọc Trường – Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, nhấn mạnh việc phát triển xe buýt mini tại TP.HCM vừa hợp lý, vừa hợp tình. Về lý, bất cứ loại hình phương tiện nào cũng phải được tổ chức phù hợp với mạng lưới đô thị của địa phương, đồng thời phải có sự điều chỉnh, thay đổi sao cho phù hợp với tổ chức giao thông và hệ thống hạ tầng trong từng giai đoạn.
Quyết định 318 của Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng ghi rõ nội dung định hướng đến năm 2030, các đô thị loại 1 trở lên phải hoàn thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức với mạng lưới đường sắt đô thị làm chủ đạo, trên các trục giao thông chính; Các đô thị từ loại 2 trở lên hoàn thiện mạng lưới xe buýt, phương tiện vận tải công cộng sức chứa nhỏ và xe taxi đảm bảo gom khách cho dịch vụ xe buýt và đường sắt đô thị.
Về tình, trong các đô thị đặc thù đường TP.HCM có quá nửa không phù hợp để phát triển xe buýt, đồng nghĩa với việc quá nửa người dân hiện nay rất khó khăn hoặc không tiếp cận được với xe buýt. Hệ thống xe buýt nhỏ sẽ giải quyết nhu cầu người dân, đưa họ thuận tiện từ trong hẻm ra tới trạm xe buýt hoặc trạm metro.
Theo Hà Mai/TNO
Bình luận (0)