Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM: Cây xanh nào phù hợp đường phố?

Tạp Chí Giáo Dục

Cây trồng ở đường phố cần đảm bảo chức năng điều hòa nhiệt độ, tạo cảnh quan đô thị và an toàn trong lưu thông
Vụ cây ngã đổ gây chết người ở TP.HCM mới đây khiến người dân không khỏi bàng hoàng. Lỗi do loại cây không có rễ cọc, do trách nhiệm của cơ quan quản lý hay do xui rủi lúc này không phải là điều đáng bàn. Quan trọng là cần có phương án nào để chấm dứt tình trạng này, để không có thêm trường hợp tử vong nào nữa.
Tử vong do cây xanh
Những vụ cây xanh bật gốc, gãy cành, gây thương tích đã xảy ra trong thời gian qua. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra nhưng hầu như tình trạng trên vẫn chưa được kéo giảm. Thậm chí một vụ cây đổ đè chết người lại mới xảy ra gần đây.
“Sao vợ tôi chết quá bất ngờ như vậy?”, đó là lời kêu khóc thảm thiết của anh Mai Xuân Ba (39 tuổi) trước sự ra đi quá bất ngờ của vợ là chị Nguyễn Thị Nhung. Chị mới qua đời do bị cây lim xẹt bật gốc đè trúng người vào chiều ngày 17-8 khi cùng chồng và hai con đang lưu thông trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) vào lúc mưa giông. Tuy chồng và hai con chị Nhung may mắn thoát nạn, nhưng đứa con 6 tuổi của chị Nhung phải nằm bệnh viện điều trị vì bị rạn xương đầu. Nếu không gặp tai nạn, bé đã có thể đến trường để nhập học vào ngay ngày hôm sau.
Trước đó một ngày, tại trạm xe buýt trên đường Ngô Gia Tự (quận 10), một sinh viên nữ khi chờ xe buýt đã bị một cành cây rơi từ trên cao trúng đầu gây bất tỉnh và được người dân phát hiện đưa vào bệnh viện cấp cứu. Điều đáng nói là nhánh cây còn tươi nguyên rơi xuống khi không có mưa giông cũng không có gió.
Cần giải quyết tận gốc
Chuyên gia cây xanh Nguyễn Trịnh Kiểm, cố vấn của Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM, cho biết, cây lim xẹt gây tử vong cho chị Nguyễn Thị Nhung có đường kính 50cm và cao hơn 12m, được xếp vào nhóm II (nhóm cây lớn). Tuy nhiên, ông Kiểm cho rằng tai nạn trên một phần do công tác quản lý không tốt, việc kiểm tra và tỉa cành trước mùa mưa đã không được thực hiện chu đáo, dẫn đến việc cây ngã đè chết người, chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thiên nhiên. Theo ông Kiểm, TP.HCM hiện còn nhiều cây lim xẹt, tuổi tối đa chỉ khoảng 40 năm, sau đó cần phải thay cây mới nhằm đảm bảo an toàn. Điều cần lưu ý là loài cây này khi đến thời điểm cần thay thế cành lá vẫn xanh tốt nhưng có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi có tác động của tự nhiên.

Cây trồng ở đường phố cần đảm bảo chức năng điều hòa nhiệt độ, tạo cảnh quan đô thị và thực sự an toàn. Trong ảnh: Cây xanh trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5, TP.HCM). Ảnh: Q.Huy
Ông Kiểm cho rằng việc mé nhánh, tỉa cành của Công ty Công viên Cây xanh TP trước mùa mưa là chưa hợp lý, bởi vì những cành có nguy cơ gãy mới được cắt tỉa, còn lại phần lớn vẫn để nguyên. Trong khi theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, một cây loại lớn cần tỉa một nửa số cành hiện có mới hạn chế được việc ngã đổ.
Bàn thêm về vấn đề này, TS. Đinh Quang Diệp, giảng viên Bộ môn cây xanh ĐH Nông lâm TP.HCM giải thích, tình trạng cây xanh ở TP.HCM bật gốc có thể do ảnh hưởng từ các công trình thi công vỉa hè, nhưng nguyên nhân cây ngã đổ nhiều có thể do quy trình trồng cây chưa hợp lý, vì cây giống được ươm 4-5 năm mới bứng ra trồng, nhưng để bứng được cây ươm buộc phải cắt rễ cọc, và cây khi được trồng không còn rễ cọc khiến cây rất dễ bị bật gốc.
Theo ông Diệp, các chủng loại cây trồng ở đường phố tại TP.HCM có nhiều nhược điểm như các loại cây lim xẹt, nhạc ngựa, phượng vĩ dễ bị bật gốc; cây sao dễ bị tét nhánh, cây dầu dễ rụng nhánh tự nhiên. Do đó, trước tình hình thời tiết biến đổi khí hậu hiện nay, mưa gió nhiều nên rất cần hạ thấp chiều cao cây xanh đường phố, loại bớt cây già cỗi, cải thiện quy trình trồng cây, và thay đổi chủng loại cây cho phù hợp.
Cũng theo ông Kiểm, những loại cây xanh phù hợp nhất đối với TP.HCM là me chua, bằng lăng, bò cạp nước (cây Osaka vàng), long não… Riêng hai loại cây sao, dầu mặc dù cũng là loại cây đặc trưng của TP.HCM và có thể trồng trên đường phố, nhưng chỉ nên để ở độ tuổi an toàn trong khoảng 100 năm trở lại.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND TP đã chỉ đạo những đơn vị liên quan nghiên cứu trồng những cây tán rộng, khó ngã đổ, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của TP đồng thời thay thế dần những cây thân lớn, già cỗi trên nhiều tuyến đường.
Bài, ảnh: Bích Vân
Theo thống kê, TP.HCM hiện có hơn 92.000 cây xanh, trong đó có hơn 5.000 cây lớn. Các chuyên gia cây xanh cho rằng việc đốn và cải tạo cây xanh trên đường phố nên thực hiện dần dần theo từng năm, cây đốn đến đâu trồng lại đến đó. Cây trồng trên đường phố không cần phải là những cây to lớn, chỉ cần đảm bảo chức năng điều hòa nhiệt độ, tạo cảnh quan cho đô thị và điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người dân.
 

Bình luận (0)