Nhiều ý kiến đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM xem lại giải pháp cấm dạy thêm, học thêm trong trường.
Sáng 18-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã phối hợp với Sở GD&ĐT TP tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2016-2017. Tại đây, các vấn đề được đại biểu quan tâm và góp ý nhiều nhất là dạy thêm, học thêm, chất lượng chăm sóc trẻ mầm non, lạm thu tiền trường…
Cấm dạy thêm chỉ là giải pháp an toàn
Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP, cho rằng dạy thêm, học thêm có mặt trái là có những giáo viên dạy không hết chương trình, tìm cách kéo học sinh (HS) về nhà mình để học hoặc ra đề na ná nội dung học thêm hay cho điểm thiếu công bằng… với mục đích để HS đi học thêm. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng dạy thêm giúp cho nhiều em học yếu tiến bộ hơn, HS được nâng cao kiến thức hơn. Và dạy ở trường, các em được giáo viên quan tâm tận tình và theo dõi sát hơn và giáo viên có thêm thu nhập.
“Chúng ta cấm dạy thêm trong nhà trường là quá máy móc, không khác nào trói tay trói chân thầy cô để tạo cơ hội cho các cơ sở bên ngoài mọc lên. Trong khi các cơ sở bên ngoài chủ yếu hoạt động vì mục đích kinh tế, lợi ích là chính thì làm sao họ có thể làm tốt được. Chúng ta nên tìm giải pháp để hạn chế tiêu cực chứ không phải cứ cấm là tốt” – bà Thu nói.
Theo bà Thu, nên chăng ở các trường, công đoàn, hiệu trưởng nhà trường phải có trách nhiệm theo dõi việc học của các em, quản lý việc giảng dạy của giáo viên để định hướng dạy thêm một cách tích cực. Nhiều em học yếu, giáo viên có thể sắp xếp dạy thêm sau giờ học chính khóa để các em nắm chắc hơn.
Đồng tình ý kiến này, bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP, cũng cho rằng sau khi tổng hợp ý kiến từ các cơ sở thì hầu hết đều cho rằng không nên cấm dạy thêm trong trường nhưng cũng phải có chọn lọc em nào cần học thêm và giáo viên nào được dạy thêm chứ không phải dạy kiểu đại trà.
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, thẳng thắn bày tỏ rằng cấm dạy thêm chỉ là giải pháp an toàn nhưng dễ tạo nên nhiều hệ lụy khác. Vì thế, chúng ta nên có những giải pháp về mặt quản lý để làm sao phát huy nhiều hơn mặt tích cực và hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra trong dạy thêm.
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, trao đổi tại hội nghị. Ảnh: P.ANH
Cần nâng chất lượng giáo dục mầm non
Về vấn đề giáo dục mầm non, bà Thu cho biết việc nhận trẻ 6-18 tháng hiện nay có nhưng rất ít trong khi nhiều quận, huyện rất đông công nhân, người lao động. Như quận Bình Tân có sáu trường nhận trẻ độ tuổi này nhưng mỗi trường chỉ nhận 15 trẻ.
Theo bà Thu, TP nên đẩy mạnh đầu tư và nhân rộng các trường công lập nhận giữ trẻ độ tuổi này hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người lao động, hạn chế việc phải gửi trẻ ở các cơ sở kém an toàn, dễ gây những hậu quả đáng tiếc.
Về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết riêng trong năm học mới này, ngành giáo dục TP chi 36 tỉ đồng để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non ở các trường ngoài công lập, trung bình mỗi người được chi 1,8 triệu đồng. Sở cũng đã làm việc, hợp tác, thống nhất với các trường có đào tạo sư phạm mầm non trên địa bàn TP để làm sao nâng cả về số lượng và chất lượng giáo viên ra trường.
Về việc mở rộng giữ trẻ 6-18 tháng tuổi, ông Nam cho rằng TP đã, đang và tiếp tục nhân rộng nhận trẻ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập, nhất là ở các quận, huyện có nhiều KCN-KCX đông công nhân lao động. Tuy nhiên, các trường nhận ít trẻ vì một phần do tâm lý truyền thống của phụ huynh chưa muốn gửi con sớm, muốn chăm sóc trẻ tại nhà hơn. Khả năng đáp ứng của các trường còn hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ… Theo ông Nam, việc nhân rộng là TP đang làm nhưng các trường cũng phải đủ điều kiện mới được mở lớp vì để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu. Ngoài ra, TP cũng đã lên kế hoạch giữ trẻ ngoài giờ đến 17 giờ 30 hằng ngày và thứ Bảy hằng tuần tại ba trường ở hai quận Thủ Đức và Bình Tân để đáp ứng thêm nhu cầu cho phụ huynh.
Góp ý về vấn đề đào tạo đội ngũ, ông Nguyễn Hoàng Năng cho rằng số tiền để đào tạo, bồi dưỡng lại giáo viên hằng năm là con số không nhỏ, chưa kể năm nào TP cũng thiếu một lượng lớn giáo viên. Theo ông Năng, ngành giáo dục phải có chiến lược về lâu dài như gắn nhu cầu với các trường đào tạo sư phạm để làm sao đào tạo hiệu quả cả về chất lượng và số lượng, giảm dần việc phải đào tạo lại mỗi năm như hiện nay.
Trường nào cũng phải có đồng phục, HS đi học phải mặc đồng phục là cần thiết vì để tạo nề nếp, cố gắng học tập, yêu trường, mến lớp hơn. Tuy nhiên, có những trường năm nào cũng bắt HS mua sắm mới đồng phục từ quần áo, cặp sách, tập vở… tạo nên gánh nặng lớn cho phụ huynh, nhất là nhiều công nhân, người lao động thu nhập thấp. Như cái cặp sách, quần áo… nếu các em biết giữ gìn, năm nay học rồi thì năm sau có thể dùng tiếp nếu nó vẫn tốt vẫn đẹp, cần gì phải mua mới cho tốn kém. Mặc dù Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo các trường không lạm thu nhưng Sở nên tăng cường kiểm tra, đôn đốc ở cơ sở hơn để hạn chế nhiều khoản thu không thực sự cần thiết.
Bà NGUYỄN THỊ YẾN THU, Năm học 2016-2017, TP.HCM có hơn 1,5 triệu HS. Số HS tăng so với cùng kỳ năm học trước là 59.158 HS. Đầu năm học này, TP đã đưa vào sử dụng 2.029 phòng học mới để đáp ứng chỗ học cho con em. Với số lượng HS như trên, năm học này TP có nhu cầu tuyển dụng toàn ngành là 4.958 người, trong đó bậc mầm non 1.557 người, tiểu học 1.594 người, THCS 1.286 người, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên 402 người, chuyên nghiệp 93 giảng viên và 26 nhân viên. |
PHẠM ANH (PLO)
Bình luận (0)