Y tế - Văn hóa

TP.HCM: Chiến dịch tiêm chủng sởi hướng đến hoàn thành trong tháng 9

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 14-9, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi trên địa bàn TP đã được triển khai nhanh chóng với mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong 10 ngày đầu, từ 31-8 đến 9-9, chiến dịch đã tiêm vắc-xin cho 19.821 trẻ từ 1 đến 5 tuổi, chiếm 32,6% tổng số trẻ cần tiêm, và 5.260 trẻ từ 6 đến 10 tuổi, đạt 8,3%. Tuy nhiên, vẫn còn 70% trẻ từ 1 đến 5 tuổi và gần như toàn bộ trẻ từ 6 đến 10 tuổi chưa được tiêm chủng.

Một chiến dịch tiêm chủng chống dịch lý tưởng phải tiến hành càng sớm càng tốt và hoàn thành trong vòng từ 7 đến 10 ngày sau khi vụ dịch được xác định. Chiến dịch tiêm chủng hiệu quả góp phần làm rút ngắn thời gian vụ dịch, giảm số ca mắc và góp phần cải thiện tình trạng miễn dịch cộng đồng, dự phòng các vụ dịch trong tương lai.

70% trẻ em chưa được tiêm chủng sởi tại TP.HCM

Đối với các dịch bệnh có vắc-xin dự phòng, chiến dịch tiêm chủng chống dịch khi dịch bùng phát giúp ngăn chặn quá trình lây truyền mầm bệnh trong cộng đồng, từ đó làm giảm sự lan rộng của vụ dịch và rút ngắn thời gian xảy ra dịch.

Sởi là bệnh truyền nhiễm lây rất nhanh qua đường hô hấp. Hầu hết những trường hợp chưa có miễn dịch đều phát bệnh sau khi tiếp xúc với người bị bệnh sởi đang trong thời kỳ lây nhiễm, một ca bệnh sởi có thể lây trung bình cho 12 đến 18 người. Vì vậy tiêm chủng chống dịch sởi, dù tiến hành theo chiến lược “tiêm không kể tiền sử tiêm chủng trước đó” hay chiến lược “tiêm bù cho những người chưa tiêm đủ” đều cần phải tiến hành sớm nhất và nhanh nhất trong điều kiện có thể.

Theo tài liệu Hướng dẫn ứng phó dịch sởi (Measle Outbeak Guide – WHO) của Tổ chức Y tế thế giới xuất bản năm 2022, chiến dịch tiêm chủng chống dịch sởi lý tưởng phải được hoàn thành trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi sự bùng phát của dịch sởi được xác định.

Ngay cả khi triển khai muộn nhưng đạt tiến độ nhanh thì tiêm chủng vẫn góp phần rút ngắn thời gian vụ dịch, giảm số ca mắc và tử vong. Tài liệu này cũng dẫn ví dụ về hiệu quả tiêm chủng chống dịch tại một quốc gia chịu gánh nặng của bệnh sởi lưu hành; mặc dù chiến dịch được khởi động rất trễ sau 2 lần đề xuất  – vào tuần thứ 28 sau khi xuất hiện những ca đầu tiên của vụ dịch – nhưng khi đã triển khai quyết liệt chiến dịch thì số ca mắc cũng bắt đầu giảm nhanh ngay từ tuần lễ kế tiếp và kết thúc hẳn 6 tuần sau đó.

Cha mẹ đưa con đến tiêm vắc-xin phòng sởi tại một cơ sở y tế

Tại TP.HCM, chỉ 3 ngày sau khi UBND TP ban hành quyết định công bố dịch, chiến dịch tiêm chủng cho tất cả các trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi đã được triển khai trên phạm vi toàn TP từ ngày 31-8-2024.

Trong 10 ngày đầu (kể từ ngày 31-8-2024 đến hết ngày 9-9-2024), chiến dịch đã tiêm cho 19.821 trẻ từ 1 đến 5 tuổi (chiếm tỷ lệ 32,6%) và 5.260 trẻ từ 6 đến 10 tuổi (chiếm tỷ lệ 8.3%) trên tổng số trẻ thuộc diện phải tiêm. Như vậy vẫn còn đến 70% trẻ từ 1-5 tuổi và gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6-10 tuổi (thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch) chưa được tiêm chủng.

Trong khi đó, chỉ mới tuần đầu tiên của năm học, TP đã ghi nhận 5 trường học tiểu học có ổ dịch sởi (từ 2 ca trở lên) tại 4 quận huyện. Dự kiến nhiều ổ dịch sởi mới sẽ tiếp tục xuất hiện tại trường học trong thời gian tới nếu chiến dịch tiêm vắc-xin không kịp thời bao phủ cho các trường hợp trẻ chưa có miễn dịch.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, TP cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn và phải cơ bản hoàn thành trong tháng 9 để giảm sự lây lan của bệnh và sớm kết thúc vụ dịch. Ước tính số trẻ thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch khoảng 125.000 trẻ. Nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi cần tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin và hoàn thành trong tháng 9, đồng thời toàn thành phố bắt đầu triển khai đồng loạt tiêm vắc xin cho trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi ngay từ tuần thứ 3 của tháng 9-2024.

Sở Y tế vận động mọi người dân hãy khẩn trương đưa trẻ chưa tiêm đủ mũi đi tiêm vắc-xin sởi tại các trạm y tế, bệnh viện, trường học theo thông báo của y tế địa phương.
Sở Y tế cũng đề nghị Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tích cực rà soát, lập danh sách trẻ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi phối hợp với trung tâm y tế, trạm y tế để đưa tổ chức tiêm chủng cho trẻ càng sớm càng tốt.

Sở Y tế đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện tích cực rà soát, lập danh sách trẻ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi đang sống trên địa bàn và vận động gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng; ưu tiên rà soát tại những khu vực biến động dân cư, khu nhà trọ, nơi cưu mang những trẻ lang thang cơ nhỡ… không để bỏ sót trẻ trên địa bàn.

Thủy Phạm

Bình luận (0)