Ngày 14-12, hội nghị "Kỷ niệm 20 năm Hội nghị Bàn tròn Nhật Bản tại TP HCM" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) cùng với các sở, ban, ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại TP HCM (JCCH) phối hợp tổ chức, dưới sự chỉ đạo của UBND TP HCM.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá dù có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19 nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào thành phố vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng. Đây là cơ hội tốt để tiếp tục mở rộng hợp tác đầu tư giữa 2 bên trong bối cảnh mới.
Thống kê cho thấy tính đến cuối tháng 11-2021, tổng số dự án của nhà đầu tư Nhật Bản trên địa bàn thành phố là 3.218, bao gồm dự án đầu tư trực tiếp, gián tiếp thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư đạt 7,4 tỉ USD.
Những kết quả đáng ghi nhận đó một phần đến từ việc chính quyền thành phố đã chủ động lắng nghe và quyết liệt giải quyết các khó khăn, tạo thuận lợi cho DN thông qua Hội nghị Bàn tròn DN Nhật Bản. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên do ITPC cùng với các sở, ban, ngành trên địa bàn và JCCH phối hợp tổ chức, dưới sự chỉ đạo của UBND TP HCM suốt thời gian qua.
Môi trường đầu tư và sinh sống ngày càng cải thiện tốt hơn đã giúp số người Nhật sinh sống tại TP HCM tăng 1,7 lần so với 5 năm trước. Số lượng hội viên của JCCH cũng đã vượt 1.000 DN vào năm 2019 và xếp thứ 3 trong số các hiệp hội DN Nhật Bản tại nước ngoài, sau Thượng Hải và Bangkok.
DN Việt Nam – Nhật Bản kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, một trong những hoạt động kết nối do ITPC tổ chức thời gian qua.
Báo cáo tổng kết 20 năm Hội nghị Bàn tròn DN Nhật Bản tại TP HCM, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, thông tin kể từ tháng 12-1998 đến nay, đã có 20 kỳ hội nghị được tổ chức, tiếp nhận và giải quyết 590 vướng mắc của cộng đồng DN Nhật Bản. Qua mỗi năm, các hội nghị bàn tròn đều tăng hiệu quả đối thoại, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, DN Nhật Bản.
Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch JCCH, nhận xét thông qua hội nghị bàn tròn, không chỉ các DN đang đầu tư hoạt động tại TP HCM mà các nhà đầu tư tiềm năng cũng có kênh đối thoại với chính quyền, giúp họ yên tâm triển khai hoạt động kinh doanh.
"TP HCM có nhiều điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản và nhà đầu tư quốc tế nói chung như: nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương vẫn thấp so với các nước trong khu vực; trở thành thị trường tiêu thụ hấp dẫn với quy mô dân số lớn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ…" – ông Mizushima Kozo nhận định.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn cũng thông tin nhiều nội dung về các hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư mới từ Nhật Bản. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho hay cục và Sở Công Thương TP HCM đã phối hợp xây dựng đề án phát triển logistics trên địa bàn và kỳ vọng DN Nhật với khả năng và công nghệ sẽ tham gia, đầu tư cho hệ thống cảng, kho vận để lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, mong muốn các DN Nhật hỗ trợ nhiều hơn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên gọi vốn vào lĩnh vực công nghệ cao.
"Các cơ quan chính quyền thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với JCCH triển khai những hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới, quan tâm đầu tư vào thành phố. Cụ thể là dòng vốn vào lĩnh vực định hướng ưu tiên, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích cho các bên" – Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, định hướng hoạt động của hội nghị bàn tròn sắp tới không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận và giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà cần cùng nhau xây dựng chính sách, nhằm hỗ trợ cao nhất cho DN. |
Thái Phương (theo NLĐ)
Bình luận (0)