Năm 2022, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM cho phép giáo viên thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.
TP.HCM là địa phương tiếp theo cho phép giáo viên thi tuyển vào vị trí chức danh cán bộ quản lý
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có thông báo về việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý năm 2022 ở vị trí phó hiệu trưởng 3 trường THPT An Nhơn Tây (H.Củ Chi); THPT Quang Trung (H.Củ Chi); THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ). Như vậy, TP.HCM là địa phương tiếp theo mạnh dạn tổ chức thi tuyển chức danh vị trí lãnh đạo quản lý.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, giáo viên tham gia thi tuyển có thể là nhân sự tại chỗ hoặc nhân sự từ nơi khác đang công tác trong cùng ban, ngành, lĩnh vực địa phương đều được quyền đăng ký tham gia dự tuyển.
Để tham gia thi tuyển, giáo viên phải đảm bảo các điều kiện sau: được quy hoạch chức vụ phó hiệu trưởng, còn đủ 5 năm công tác tính từ khi dự tuyển, không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định, không đang trong thời hạn bị xử lý kỷ luật. Tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành, chuyên môn phù hợp với lĩnh vực công tác. Có kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản, sử dụng ngoại ngữ ở bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam. Đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương trở lên hoặc chức danh nghề nghiệp tương ứng từ hạng III trở lên. Có chứng chỉ chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng học tương đương.
Tham gia thi tuyển, giáo viên sẽ thi phần thi viết và thi trình bày đề án. Trong đó, phần thi viết (môn thi điều kiện) sẽ có thời gian thi là 180 phút, nội dung thi kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự thi và các nội dung khác do hội đồng thi quy định. Người dự thi phải có kết quả bài thi đạt từ 50/100 điểm mới được tham gia phần thi trình bày đề án.
Ở phần thi trình bày đề án, ứng viên sẽ thi trình bày đề án trong thời gian tối đa 30 phút và thi chất vấn trong thời gian từ 30-40 phút. Nội dung thi xoay quanh việc đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế, nguyên nhân của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển; dự báo xu hướng phát triển, đề xuất kế hoạch, giải pháp; chương trình hành động thực hiện kế hoạch, giải pháp nếu được bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển; kỹ năng trình bày, giao tiếp ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo…
Chủ đề của đề án sẽ được Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo công khai. Điểm thi phần thi này sẽ được cơ cấu gồm 3 phần: xây dựng đề án (20 điểm), bảo vệ đề án (40 điểm), trả lời câu hỏi chất vấn (40 điểm).
Ở phần thi đề án, lãnh đạo và đại diện của cơ quan sử dụng chức danh thi tuyển sẽ được quyền tham dự và chất vấn người dự thi. Chủ tịch Hội đồng thi quyết định việc người dự thi phải trả lời câu hỏi chất vấn của những người tham dự.
Sở GD-ĐT TP.HCM quy định, hồ sơ đăng ký dự thi gồm: Đơn đăng ký dự tuyển; sơ yếu lý lịch; bản tự nhận xét đánh giá; bản kê khai tài sản và thu nhập; bản nhận xét đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi người dự thi công tác; bản nhận xét đánh giá của cấp ủy nơi cư trú; văn bản xác nhận trong diện quy hoạch; bản sao văn bằng chứng chỉ có chứng thực; giấy khám sức khỏe. Riêng trường hợp người tham gia dự thi từ nơi khác thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nơi người tham gia dự thi đang công tác đồng ý cho người đó tham gia dự thi và chuyển công tác nếu trúng tuyển.
Dự kiến, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tổ chức thi viết vào ngày 28-10, thi đề án vào ngày 4-11. Quyết định người trúng tuyển và quyết định bổ nhiệm chức danh sẽ được sở công bố trong tháng 12-2022.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)