Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Chưa phát hiện học sinh vướng vào ma túy

Tạp Chí Giáo Dục

HS ra quân chiến dịch tuyên truyền phòng chống ma túy tại Trường THPT Hùng Vương

Sáng 4-10, Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống ma túy trong trường học giai đoạn 2009-2011 và triển khai kế hoạch liên tịch giai đoạn 2012-2015.

Bắt đầu từ năm 2009, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện kế hoạch liên tịch về việc triển khai công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy trong trường học giai đoạn 2009-2011. Sau hai năm thực hiện, các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong việc phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp nhằm tuyên truyền phòng chống sử dụng ma túy ở lứa tuổi HS. Các đơn vị đã tổ chức tập huấn về công tác phòng chống tác hại của ma túy, cách phát hiện và phòng chống ma túy trong HS cho đội ngũ mạng lưới giáo viên bộ môn GDCD và trợ lý thanh niên các phòng GD-ĐT, trường THPT… Hai sở còn tổ chức cuộc thi “Hãy tránh xa ma túy” cho các trường THPT, TTGDTX, các trường CĐ trực thuộc quản lý của Sở GD-ĐT. Ông Phạm Ngọc Thạch, Trưởng chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM cho biết, ông rất vui khi sự phối hợp giữa hai sở đã đạt được nhiều kết quả thắng lợi. “Sở GD-ĐT đã không quản ngại cử cán bộ, giáo viên tới các trung tâm cai nghiện, giáo dục cộng đồng để bổ túc văn hóa và dạy nghề cho các học viên. Đây là những đối tượng nằm trong độ tuổi từ 16-30, trong đó có rất nhiều người từng là HS bỏ học tại các trường trên địa bàn thành phố”, ông Thạch cho hay.
Cũng theo đánh giá của Sở GD-ĐT, TP.HCM chưa phát hiện một HS nào có biểu hiện vướng vào ma túy. Trong nhiều năm qua, các đơn vị còn có những phương pháp tích cực giúp HS hiểu rõ về tác hại của ma túy và cách phòng tránh. Tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, BGH đã có sự phối hợp giữa Ban đại diện cha mẹ HS, phụ huynh, chính quyền địa phương trong việc quản lý và giáo dục HS. Trường đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể ngoài nhà trường như Hội Luật gia thành phố trong việc tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV-AISD; phối hợp với Quận đoàn, Trường ĐH Luật tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội phạm ma túy vị thành niên; với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo tư vấn sức khỏe và xây dựng kỹ năng sống… “Chúng tôi còn hướng dẫn các tổ chuyên môn lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống ma túy vào một số tiết học, hoạt động ngoài giờ lên lớp được tổ chức dưới cờ nhằm phong phú hình thức tuyên truyền”, thầy Nguyễn Minh, trợ lý thanh niên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi khẳng định.
Song song với những điều đạt được, hai sở cũng chỉ ra hạn chế trong công tác tuyên truyền, phòng chống tệ nạn ma túy cho HS. Đó là việc một vài trường học nằm trên địa bàn phức tạp, dễ xảy ra việc một số HS bị dụ dỗ, lôi kéo hút thuốc lá tại các hàng quán xung quanh nhà trường và có nguy cơ bị lôi kéo vào việc sử dụng ma túy nhưng lại chưa quyết liệt phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết, làm lành mạnh môi trường trong và ngoài trường học. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT nhắc nhở các đơn vị cần phối hợp hơn nữa trong việc quản lý và giáo dục HS. “Chưa phát hiện được trường hợp HS vướng vào ma túy không có nghĩa là chúng ta lơ là trước thảm họa ma túy. Do đó, các trường cần phối hợp hơn nữa với các cơ quan ban ngành chức năng, đoàn thể trong và ngoài trường học để phòng tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra. Chúng ta không chỉ dạy kiến thức mà còn phải giáo dục cho các em biết phân biệt đúng sai, có đủ bản lĩnh để tự bảo vệ mình trước những tình huống xảy ra”, ông Thanh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)