Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM có 24 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt gây ùn ứ giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Tại buổi họp báo kinh tế – xã hội TP.HCM vào chiều 3-10, ông Hoàng Phúc Dũng – Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thông tin về tình trạng ùn ứ giao thông ở các điểm giao giữa đường sắt và đường bộ trên địa bàn.

Theo ông Hoàng Phúc Dũng, đường sắt Bắc – Nam đoạn tuyến đi qua địa bàn TP.HCM có chiều dài khoảng 14km (TP.Thủ Đức và các quận: 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận) với 24 vị trí đường bộ giao cắt đồng mức với đường sắt. Trong đó, 21 đường ngang có người gác do Tổng Công ty đường sắt Việt Nam bố trí nhân viên, 3 đường ngang không có người gác hiện được tổ chức phòng vệ theo hình thức cần chắn tự động; không có đường ngang dân sinh giao cắt trực tiếp với đường sắt.

Ông Hoàng Phúc Dũng – Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thông tin về tình trạng ùn ứ giao thông ở các điểm giao giữa đường sắt và đường bộ

Tất cả các đường ngang đều có hệ thống biển báo hiệu đầy đủ, thường xuyên được đơn vị quản lý kiểm tra và bổ sung các biện pháp đảm bảo an toàn; các đường ngang không có người gác – đường ngang có cảnh báo và cần chắn tự động đều được bố trí lực lượng thanh niên xung phong trực gác cảnh báo từ 6 giờ đến 22 giờ. Ngoài ra các địa phương, cơ quan chức năng còn bố trí các lực lượng khác tăng cường trong các giờ cao điểm.

Theo ông Dũng, các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt là giao cắt đồng mức. Do đó, khi tàu lưu thông qua các vị trí giao cắt này (các đường ngang Tô Ngọc Vân, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Văn Trỗi, Đỗ Thị Lời…) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm, thời điểm lễ tết.

Ông Dũng cho hay, trong thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với ngành đường sắt và các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến tình hình giao thông khu vực như kiểm tra, rà soát thời gian đóng mở gác chắn cho phù hợp, tránh tình trạng đóng gác chắn quá sớm; kết nối đèn tín hiệu giao thông đồng bộ giữa đường bộ với đường sắt tại các vị trí…

Tuy nhiên, do số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng; chưa có loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro; chưa triển khai giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân… Do đó, khi đoàn tàu đi qua các điểm giao cắt với đường bộ dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông.

Trước tình trạng trên, Sở Giao thông Vận tải đề xuất các giải pháp trong thời gian tới như người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đặc biệt là không lấn trái đường khi dừng chờ đoàn tàu. Tiếp tục phối hợp ngành đường sắt để kiểm tra, rà soát thời gian đóng tàu cho phù hợp với quy định. Đồng thời tiếp tục bố trí lực lượng điều tiết giao thông trong giờ cao điểm và các dịp lễ, tết.

Ngoài ra, trước khi triển khai thi công sửa chữa, duy tu đường sắt tại các vị trí giao nhau với đường bộ trên địa bàn TP.HCM, ngành đường sắt phải gửi thông báo cho sở và các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan về kế hoạch để bố trí lực lượng phối hợp, điều tiết giao thông.

Nhật Huy

Bình luận (0)