Tối 30-6, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố năm 2022.
Bà Cao Xuân Thu Vân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 và 4 sao của UBND TP.HCM cho các chủ thể
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP, cho biết năm 2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi là Chương trình OCOP) giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở này, TP.HCM cũng tiếp tục phê duyệt Đề án OCOP trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025.
Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 – 2025 được mở rộng trên phạm vi toàn thành phố. Đặc biệt, giai đoạn này định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với 6 lĩnh vực gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm – nội thất – trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Chương trình OCOP được mở rộng ra trên địa bàn toàn thành phố, từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và các hộ dân có sản xuất kinh doanh tham gia.
6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã có quyết định công nhận đối với 39 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên trong đó có 15 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố là 66 sản phẩm.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới, mà còn là giải pháp phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương. Vì vậy, cần phải có sự chung tay, hỗ trợ phát triển chương trình của các sở ngành liên quan.
Với những kết quả đạt được, ông Đinh Minh Hiệp đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt, sự chủ động, tích cực hưởng ứng, sự sáng tạo, nghiên cứu tìm tòi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể tham gia Chương trình OCOP để tạo nên sự đa dạng về nhóm, về thể loại của sản phẩm OCOP TP.HCM.
Chương trình OCOP được bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện chương trình này.
Sản phẩm của một doanh nghiệp đạt đạt 4 sao gồm mật ong nhân sâm, mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ đen và tinh bột nghệ vàng
Triển khai Chương trình OCOP có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội. Khi triển khai thành công sẽ giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.
Từ hiệu quả triển khai của các nước trên thế giới, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 với mục tiêu phát triển các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Với thế mạnh của thành phố, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP đến năm 2020 trên địa bàn 5 huyện xây dựng nông thôn mới: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố.
Cuối năm 2021, thành phố đã đánh giá, phân hạng đối với 28 sản phẩm, trong đó có 27 sản phẩm đạt 3 – 4 sao; 1 sản phẩm trình Trung ương xem xét, đánh giá đạt 5 sao.
N.Trinh
Bình luận (0)