Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM có 83.312 học sinh lớp 12 dự kiến thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM có 83.312 học sinh lớp 12 dự kiến thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 TP.HCM có 83.312 học sinh lớp 12 dự kiến thi tốt nghiệp THPT năm 2025 Audio

Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, năm học 2024-2025, TP.HCM có khoảng 83.312 học sinh lớp 12 sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT, chưa kể thí sinh tự do, giảm gần 1.000 học sinh so với năm học trước đó.

Theo ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 6 điểm mới gồm: Kỳ thi được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm buổi thi từ 4 buổi thi còn 3 buổi thi; đề thi theo hướng đánh giá năng lực, có các môn thi mới theo Chương trình GDPT 2018, môn ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; đẩy mạnh chuyển đổi số, 100% thí sinh đều có thể đăng ký dự thi trực tuyến;  tăng cường sử dụng kết quả đánh giá quá trình trong xét công nhận tốt nghiệp THPT từ 30% lên 50%.

Đồng thời thay đổi về chứng chỉ và điểm khuyến khích đối với môn ngoại ngữ, tiếng Việt, chứng chỉ nghề. Cụ thể, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi ngoại ngữ, người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt được miễn thi môn ngữ văn. Tuy nhiên, không quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, chỉ giảm môn thi với yêu cầu chứng chỉ phải còn hạn đến ngày 25-6-2025.

Cuối cùng là quy trình coi thi, chấm thi được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với phương án tổ chức kỳ thi, đồng thời khắc phục các hạn chế, bất cập trước đây để tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.

“Thí sinh chỉ ngồi 1 phòng thi trong suốt 3 buổi thi. Trong một buổi thi, khi kết thúc tất cả môn thi, thí sinh mới được rời khỏi điểm thi nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, khác với các năm trước là thí sinh được rời khỏi điểm thi sau khi kết thúc môn thi”, ông Huỳnh Văn chương cho biết.

Năm nay TP.HCM có hơn 83.000 học sinh lớp 12 tham gia thi tốt nghiệp THPT

Đối với công tác in sao đề thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, sẽ tăng gấp đôi mã đề thi so với các năm trước. Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có 48 mã đề thi, trong đó có 24 mã đề thi dành cho ca 1 và 24 mã đề thi dành cho ca 2. Việc in sao đề thi phải in đủ theo số lượng thí sinh trong phòng thi. Và việc in sao đề thi được thực hiện theo từng chương trình giáo dục phổ thông, không thực hiện đồng thời để tránh nhầm lẫn.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay thành phố có khoảng 83.312 học sinh lớp 12 sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT, chưa kể thí sinh tự do, giảm gần 1.000 học sinh so với năm học trước đó.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi dự kiến có hơn 1,1 triệu thí sinh tham gia dự thi, chưa tính thí sinh tự do. Đối với thí sinh tự do, thí sinh được lựa chọn thi theo Chương trình GDPT 2006 hay Chương trình GDPT 2018.

“Đối với học sinh dự thi theo Chương trình GDPT 2006, Sở GD-ĐT phải tổ chức một số điểm thi riêng dành cho các thí sinh này. Mô hình tổ chức, cách thức tổ chức, môn thi được giữ ổn định như năm 2024. Nếu chỉ có 1 thí sinh tham dự tỉnh cũng phải tổ chức 1 điểm thi riêng. Các điểm còn lại dành riêng cho học sinh thi theo Chương trình GDPT 2018” – ông Chương nhấn mạnh.

100% các trường phải tổ chức thi thử

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi triển khai theo Chương trình GDPT 2018 với phương thức thi mới (2+2 môn thi), đổi mới nội dung theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Kỳ thi được tổ chức gọn gàng, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng, chất lượng, đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông. Trong bối cảnh các tỉnh, thành đang thực hiện sắp xếp bộ máy, sáp nhập tỉnh, bỏ chính quyền cấp huyện, tác động và ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi mong các địa phương không vì chuyện sắp xếp bộ máy mà lơ là việc tổ chức kỳ thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các địa phương phải dự báo khâu nào là khâu khó khăn nhất, dễ xảy ra rủi ro nhất trong công tác tổ chức kỳ thi, từ đó dự báo nhiệm vụ, giải pháp để chủ động huy động, bố trí lực lượng nhằm sẵn sàng ứng phó. Bên cạnh đó, các địa phương phải chỉ đạo kỹ lưỡng, cá thể hóa từng vị trí, nhiệm vụ với tinh thần gọn gàng, giảm áp lực, tốn kém nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, kết quả được sử dụng đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Yến Hoa

Bình luận (0)