Người dân mua trứng ở siêu thị Co.opMart (Q.9) |
Theo cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2-2010 trên địa bàn thành phố tăng 1,68% so với tháng 1-2010. Trong khi đó điều đáng nói là cùng một mặt hàng nhưng nhiều điểm kinh doanh có mức bán ra chênh lệch rất khác nhau.
Chợ “giá Tết”
Tại siêu thị Co.opMart, rau xanh giá 7.000 đồng/kg, dưa leo 8.000 đồng/kg, trong khi tại chợ Tân Bình, dưa leo 10.000 đồng/kg, cà rốt 12.000 đồng/kg, xà lách 15.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg… Các loại trên hiện đang tăng từ 1.000 – 9.000 đồng/kg; trong đó khoai tây tăng đến 9.000 đồng/kg. Giá hàng thiết yếu ở các chợ đầu mối, siêu thị đã giảm, nhưng chợ và các điểm bán lẻ giá vẫn cao vút một cách bất hợp lý. Tại chợ Bình Tây, giá bán lẻ các loại thịt vẫn cao, thậm chí cao gần như còn Tết. Thịt bò giá 140.000 đồng/kg; thịt heo 60.000 – 70.000 đồng/kg. Gà tam hoàng giá 58.000 đồng/kg tăng 3.000 đồng. Ban quản lý chợ Bình Tây cho biết từ mùng 9 đến nay, giá cả một số mặt hàng rau đã giảm (hành tím Gò Công bán ra 13.000 đồng/kg, bắp cải 6.000 đồng/kg giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg) nhưng vẫn còn nhiều loại rau như đậu xanh hạt loại 1 giá 35.000 đồng/kg tăng 17.000 đồng, măng lá khô 95.000 đồng/kg tăng 35.000 đồng, nấm mèo 110.000 đồng/kg tăng 50.000 đồng, kiệu tươi Huế 55.000 đồng/kg tăng 35.000 đồng. Tại chợ Tân Phú (quận Tân Phú), do nhu cầu mua cúng rằm nên các loại quýt đường, mãng cầu giá bán 60.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng; thanh long 25.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng; quýt tiều loại một 30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg.
Siêu thị bình ổn giá đến 15-3
Đại diện siêu thị Co.opMart cho biết, trong những ngày cao điểm Tết, doanh thu tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op tăng hơn 40% so với cùng kỳ, hiện nay sức mua của hệ thống đã trở về bình thường. Tại Co.opMart, sáu nhóm mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá vẫn tiếp tục giữ mức giá bình ổn đến ngày 15-3-2010. Từ ngày 19-2 đến ngày 10-3-2010, Co.opMart thực hiện khuyến mại giảm giá lên đến 20% cho những mặt hàng tươi sống, chế biến sẵn. Siêu thị Big C cũng đưa ra 3 chương trình khuyến mại “Hơn 160 sản phẩm giá hấp dẫn”, “Chợ thực phẩm tươi” và “Giá rẻ hơn, tiết kiệm nhiều hơn”. Theo đó, tùy mỗi loại sản phẩm, Big C giảm từ 10 – 50% giá và giảm đến 50% cho hơn 800 mặt hàng đồ chơi vừa mới lạ, đẹp mắt vừa mang tính giải trí và giáo dục cao. Nhiều mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị đứng giá thậm chí giảm nhiều so với trước đây.
Trong các mặt hàng thiết yếu, sữa là mặt hàng nóng nhất về giá và theo dự đoán sắp tới giá sữa sẽ còn lên cao. Tại các điểm bán sỉ lẻ các mặt hàng sữa của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đồng loạt nâng giá sữa bán lẻ trên thị trường tăng thêm 8%, chủ yếu ở các mặt hàng sữa nước, sữa bột và sữa chua. Cụ thể, các mặt hàng sữa bột Alpha Step 1, Step 2, Step 3 và Step 123 tăng thêm 4.000 đồng/lon (đối với những sản phẩm có trọng lượng 400 gram) và tăng 8.000 đồng/lon trở lên (đối với những sản phẩm có trọng lượng trên 900 gram). Mặt hàng sữa ông Thọ có nắp khui là 797.280 đồng/thùng (tương đương giá 16.610 đồng/lon); sữa tươi Flex loại 1 lít 213.000 đồng/thùng (tương đương 17.795 đồng/hộp/lít)… Theo các cửa hàng bán lẻ, nguyên nhân khiến họ tăng giá sữa bởi Vinamilk đã chính thức tăng giá hơn 20 sản phẩm từ ngày 22-2. Không chỉ có Vinamilk, nhiều hãng sữa đã tăng giá trong và sau Tết từ 6 – 12 % so với trước đây. Giải thích việc tăng giá, các hãng sữa đều cho rằng do tỉ giá gần đây tăng cao, giá nguyên liệu sữa bột, đường, chi phí vận chuyển đều tăng, nên các hãng sữa phải tăng giá sản phẩm để tránh bị lỗ.
Làm gì để bình ổn giá hàng hóa trong lúc này?
Sở Công thương TP. HCM hiện đã giao cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá hàng hóa theo đăng ký cam kết trong dịp Tết tiếp tục bình ổn giá đến ngày 15-3. Các siêu thị hiện cũng tích cực tham gia bình ổn giá khi đưa ra nhiều chương trình khuyến mại để kìm giá và thu hút khách hàng. Trong đó bao gồm những mặt hàng thiết yếu có sức mua lớn như thực phẩm tươi sống, sữa tươi, hàng đông lạnh… đặc biệt là các loại rau, củ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng hiện đang ráo riết triển khai công tác kiểm soát giá, chống đầu cơ, lợi dụng thời điểm “nhạy cảm” như lúc này để nâng giá làm khó người tiêu dùng. Nhưng để một thị trường có mức giá bình ổn, theo các chuyên gia kinh tế, mấu chốt vẫn là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng hóa thực hiện cam kết nhà sản xuất bán hàng đúng giá thực và người kinh doanh bán đúng giá niêm yết thì khó xảy ra tình trạng sốt giá, giá quá cao như hiện nay.
Bài, ảnh: THÁI KHUÊ
Bình luận (0)