Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM có cơ chế đặc thù, mong mỗi người làm việc gấp 3 lần

Tạp Chí Giáo Dục

 Nghèo khó mới cần làm việc quên mình để giàu lên, còn khi giàu có rồi ta không cần phải làm việc như vậy nữa? Theo TS TS Phan Hải Hồ, nghĩ như vậy là sai lầm.

TP.HCM có cơ chế đặc thù, mong mỗi người làm việc gấp 3 lần - Ảnh 1.

TS Phan Hải Hồ – Ảnh: B.M.

"Tôi mong rằng mỗi người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ có thể nỗ lực nhiều hơn bằng ba lần sức lực của mình, làm việc, học tập bằng tất cả sự say mê, góp phần cho đất nước phồn thịnh".

TS Phan Hải Hồ

TP.HCM đang gấp rút chuẩn bị những bước đi cần thiết để thực hiện nghị quyết về cơ chế đặc thù ngay khi nghị quyết này có hiệu lực (15-1-2018). Trong đó, yếu tố con người được xác định là vô cùng quan trọng, với tinh thần xốc tới, khí thế làm việc hăng say, nhất là giới trẻ.

Đi qua nhiều đất nước phát triển, tôi nhận ra rằng để đạt được sự phát triển đó, người dân của họ đã phải lao động, sáng tạo hăng say, hừng hực lửa trong nhiều năm trời. 

Lấy một ví dụ nhỏ. Tôi quan sát thấy sau giờ học, nhiều sinh viên ra quán chơi bida, cà phê hết buổi. Nhưng cũng nhiều sinh viên khác lên thư viện học, hoặc chủ động tìm kiếm cơ hội thực hành ở bên ngoài, sống một cuộc sống tích cực, sôi nổi. 

Không phải tất cả những trò giải trí đều xấu, nhưng rõ ràng có nhiều thanh niên hiện nay đang lãng phí thời gian, lãng phí tuổi trẻ của mình trong những thú vui.

Nguyên nhân của sự lãng phí đó, theo tôi, có phần do truyền thống và sự giáo dục. Một câu chuyện đơn giản là khi ở nước ngoài, một đứa trẻ 3 tuổi khi đi tàu phải tự đeo balô, tự kéo vali. 

Trong khi ở mình, nhiều khi té ngã, con nít không có ý thức tự đứng dậy mà phải đợi cha mẹ nó. Rồi cả tư tưởng cha mẹ làm để mua nhà cho con, là để dành phần cho con, "hi sinh đời bố củng cố đời con", làm cho lớp trẻ không nỗ lực gấp ba vì đã có cha mẹ lo rồi.

Bởi vậy mới có tình trạng thanh niên đã tốt nghiệp đại học rồi mà vẫn như một con gà công nghiệp, không biết tự lo cho mình những việc đơn giản nhất. Bây giờ, để mỗi người đều phấn đấu làm việc gấp ba lần thì từng gia đình phải ý thức được điều đó, rộng hơn là nền giáo dục cũng phải ý thức được việc đó, đề cao vai trò chủ động, ý thức tự lực tự cường của người học.

Có người đặt câu hỏi, vậy chứ khi nghèo khó mới cần làm việc quên mình để giàu lên, còn khi giàu có rồi ta không cần phải làm việc như vậy nữa? Hãy nhìn những nhà tỉ phú của thế giới, có ai là không làm việc gấp mấy lần người khác? 

Ngay cả như Bill Gates giàu như vậy mà vẫn phải làm việc đó thôi. Họ làm việc vì mong muốn tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, giúp được nhiều người, đó mới là cái đích chứ không đơn thuần chỉ nghĩ cho bản thân mình.

TP.HCM có cơ chế đặc thù, mong mỗi người làm việc gấp 3 lần - Ảnh 3.

Một nhân viên tuyến xe buýt mẫu lau chùi mặt kính xe trong lúc chờ khách – Ảnh: QUANG KHẢI

Để làm gấp bằng ba lần, chúng ta cũng phải nhìn nhận, học hỏi nhiều từ những người xung quanh. Ông bà ta nói chọn bạn mà chơi. Người giỏi hơn mình, tư duy sáng tạo, tích cực hơn mình thì có nhiều điều để mình học. 

Nhưng con người không ai hoàn hảo, sẽ có những điểm chưa tốt của họ. Mình làm sao để không bị cuốn theo những tâm lý, hành vi tiêu cực, tự mình trở nên xấu tính hơn, mà phải từ đó soi rọi lại bản thân để tiến bộ.

Nhìn xung quanh đất nước chúng ta, đều có những tấm gương lớn để chúng ta học tập. Người Nhật thì làm việc quên ăn quên ngủ. Người Trung Quốc thì biết tiết kiệm… Một người làm việc gấp ba lần sẽ giống như một tia lửa nhỏ. 

Từ những tia lửa đó sẽ bùng lên ngọn lửa, thành những xu hướng mà tuổi trẻ sẽ đi theo. Tôi vẫn tin tưởng vào một lớp trẻ năng động, tự tin, giỏi ngoại ngữ, làm việc bằng tất cả lòng say mê, sáng tạo, tự vượt qua mọi giới hạn của chính mình.

"Bể chén còn hơn bể người"

Tôi luôn ý thức việc dạy cho con tính độc lập và tự lập. Một đứa bé khi 2 tuổi đã có thể học cách tự lập. Tôi chỉ cho con cách gấp mùng mền khi ngủ dậy và khuyến khích con thực hiện. Rồi tự vệ sinh cá nhân, tự xúc cơm ăn.

Khi đã tự lập rồi, nếu có người khác làm giùm thì nó sẽ không thích bởi vì người khác làm giùm nó sẽ thấy tự ái. 4 tuổi tôi cho con học rửa chén. Vợ tôi sợ con làm bể, tôi nói: "Thà bể chén còn hơn bể người".

Ở nhà tôi, hai đứa bé không bao giờ có chuyện cha mẹ phải chạy theo đút cơm cho ăn. Bé không muốn ăn nữa thì tự đặt chén xuống, đi rửa miệng, rất nguyên tắc. Lớn lên một chút, đi học về thì tự động đặt lịch học. Tuy nhiên cũng không thể nghĩ con tự giác như vậy mà mình không kiểm tra giám sát bởi vì chúng là trẻ con.

Âm thầm dõi theo, nhắc nhở và thậm chí có chế tài khi cần thiết, như vậy mới có thể giúp con tự lập, sống có nguyên tắc. Dạy con tự lập mới thực sự là thương con.

TS PHAN HẢI HỒ (trưởng khoa quản lý hành chính Học viện Cán bộ TP.HCM)/TTO

 

Bình luận (0)