Sau hơn 2 năm cả TP.HCM nỗ lực chống dịch Covid-19 và đã kiểm soát được dịch bệnh này thì nhiều tháng qua, như hiện nay có thể nói TP.HCM đang đứng trước nguy cơ dịch Covid-19 chồng dịch sốt xuất huyết (SXH) và sẽ chịu nhiều hệ quả xấu về kinh tế, xã hội nếu để nguy cơ này thành hiện thực.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại kỳ họp
Vấn đề này được ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu ra tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra sáng 7-7.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa có quốc gia nào công bố dịch chấm dứt.
Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát rộng tại các tỉnh phía Nam, nhất là TP.HCM. Số ca mắc mới, ca tử vong đang tiếp tục tăng và thực sự đáng báo động.
“Như vậy, sau hơn 2 năm cả TP nỗ lực chống dịch Covid-19 và đã kiểm soát được thì nhiều tháng qua, như hiện nay có thể nói TP đang đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch và sẽ chịu nhiều hệ quả xấu về kinh tế, xã hội nếu để nguy cơ này thành hiện thực”, ông Tăng Chí Thượng nói.
Theo Giám đốc Sở Y tế, dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại với các biến thể phụ của Omicron và dịch bệnh lưu hành SXH đang có dấu hiệu bùng phát dữ dội trên địa bàn TP trong năm nay.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn thế giới, số ca mắc mới tăng 18%, số ca tử vong tăng 3% so với tuần trước. Sự gia tăng số ca mắc và tử vong Covid-19 trên thế giới tương ứng với biến thể phụ BA.4 và BA.5. Mới đây, Bộ Y tế công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam. Số ca mắc mới bắt đầu tăng trở lại, số ca nặng bắt đầu ghi nhận trở lại.
Tại TP.HCM cũng phát hiện 3 ca nhiễm BA.4, BA.5 khi tầm soát ngẫu nhiên. Số ca mắc mới ở TP.HCM cũng đang có xu hướng tăng nhẹ dù số ca nhập viện chưa có dấu hiệu tăng rõ ràng.
Hệ thống giám sát dịch bệnh của ngành y tế TP cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày số ca mắc mới trên 50 ca, trước đây số ca mắc mới giảm sâu 30 ca.
Trước thực trạng này, ông Tăng Chí Thượng lo ngại nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào trong đó có Việt Nam và TP.HCM.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Quận 8
Đối với dịch bệnh SXH, nếu như hằng năm TP ghi nhận hàng chục ngàn ca mắc, trong đó có khoảng 5-10 ca tử vong thì chỉ riêng năm nay, tính hết ngày 5-7, tổng số ca mắc SXH ở TP đã trên 23.000 ca, trong đó đã có 11 trường hợp tử vong (có trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn), tăng 9 trường hợp so với trung bình 5 năm vừa rồi.
Dự báo những tháng còn lại của năm 2022, những tháng cao điểm của mùa mưa thì số ca mắc sẽ tăng, số ca nặng, tử vong cũng tăng nếu không quyết liệt hơn nữa trong việc phòng bệnh ngay từ bây giờ.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch, ông Tăng Chí Thượng cho biết, trước hết ngành y tế phải chuẩn bị các nguồn lực tương ứng với các tình huống diễn biến xấu của dịch Covid-19 và SXH để sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung, điều trị theo từng tình huống. Nhưng quan trọng hơn là công tác phòng các dịch bệnh này cần được triển khai quyết liệt hơn, bền bỉ hơn và đồng bộ hơn.
Với dịch Covid-19, cần đẩy nhanh hơn nữa tỉ lệ tiêm vắc xin mũi nhắc lại (mũi 3 và 4). Nguồn vắc xin hiện nay của TP.HCM không thiếu, thậm chí là khá dồi dào. Ngày 4-7, TP.HCM đã nhận thêm 900.000 liều vắc xin Pfizer từ Bộ Y tế để thực hiện tiêm chủng cho người dân.
Đẩy mạnh công tác truyền thông tiêm chủng đến từng hộ gia đình. Ngành y tế sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, bệnh viện, nhà máy, trường học, nhất là tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho nhóm đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh nền.
Với dịch SXH, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp tốt nhất là tăng cường diệt muỗi và lăng quăng, trong đó diệt lăng quăng là biện pháp đơn giản, hiệu quả và căn cơ nhất.
Giám đốc Sở Y tế cho biết muỗi vằn lan truyền SXH được mệnh danh là “muỗi quý tộc”, vì lăng quăng của muỗi này chỉ sống trong nước sạch như nước máy, nước mưa. Còn ao tù là nơi phát sinh muỗi khác.
Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp bách làm giảm nhanh số muỗi trưởng thành nhưng khi hết thời gian hóa chất tồn tại trong không gian lứa muỗi mới lại phát triển và truyền bệnh. Do đó phun hóa chất chỉ phát huy hiệu quả khi diệt lăng quăng phải thực hiện đồng bộ và triệt để trên toàn TP.
Theo Giám đốc Sở Y tế, nơi sinh sản của muỗi SXH có thể phát sinh ở khắp nơi ngay trong từng hộ gia đình, cơ quan xí nghiệp, công sở, do chính con người tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Vì vậy, “để phòng chống dịch SXH hiệu quả phải xuất phát từ hành động mỗi cá nhân, ngay từ chính ngôi nhà của mình, nơi sinh sống và làm việc”, Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)