UBND TP.HCM đã công bố dịch bệnh do vi-rút Zika quy mô xã, phường trên địa bàn. Hôm qua vừa có thêm 1 người nhiễm vi-rút ở quận 5. Vậy người dân thành phố, đặc biệt là những ai đang ở trong vùng dịch phải làm gì để phòng bệnh?
Hôm qua 19.10, TP.HCM vừa công bố thêm một người đàn ông vừa nhiễm vi-rút Zika nâng tổng số người nhiễm từ trước đến nay lên con số 5. PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM thông báo vừa có kết quả xét nghiệm nam bệnh nhân 32 tuổi ở quận 5 bị nhiễm Zika. Trước đó bệnh nhân sốt phát ban, đau cơ… nên đi xét nghiệm.
Tại Đắk Lắk thì phát hiện thêm 2 trường hợp 2 trẻ bị dị tật đầu nhỏ nghi nhiễm vi-rút Zika. Đó là cháu T. (7 tuổi) và em ruột là cháu D. (4 tuổi), con của anh Nụ (ngụ thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng).
Hiện cháu T. có vòng đo đầu là 35 cm, cháu D. là 39 cm, nhỏ hơn nhiều so với các trẻ cùng lứa tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết, Trung tâm Y tế Dự phòng TP đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận điều tra dịch tễ tại nhà và xung quanh nhà các bệnh nhân bị nhiễm vi-rút Zika, phun hoá chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch.
Đồng thời, nhân viên y tế dự phòng cũng trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về những việc cần làm để phòng bệnh lây truyền trong gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, tất cả các thai phụ trong phạm vi ổ dịch cũng được cơ quan y tế lập danh sách để trực tiếp tư vấn phòng bệnh do vi-rút Zika, giám sát sức khỏe.
Với việc TP.HCM công bố dịch bệnh do vi rút Zika trên quy mô phường, xã cho thấy vi-rút Zika đã, đang lưu hành tại TP.HCM. Theo bác sĩ Dũng, vi-rút này được lây truyền chủ yếu qua muỗi Aedes. Đây là loài muỗi có có rất nhiều ở nước ta, cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, bệnh chikungunya và bệnh sốt vàng.
Do đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo mọi người cần chủ động phòng ngừa vi-rút Zika với biện pháp quan trọng hàng đầu là tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng như: sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày; diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản.
Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt, phát ban và đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ, sớm phát hiện nhiễm vi rút Zika.
Người từ vùng dịch về chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, không để bị muỗi chích trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, thực hiện các biện pháp tình dục an toàn ít nhất 28 ngày và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.
Các bệnh viện quận, huyện của TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện tầm soát bệnh do vi-rút Zika đến hết năm 2016. Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bệnh do vi-rút Zika sẽ được xét nghiệm và tìm vi-rút miễn phí.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, trước tình hình TP đã công bố dịch cấp phường, xã, Sở Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phát hiện ca bệnh nhiễm vi-rút Zika tại các bệnh viện trên toàn TP. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên tuyên truyền cho người dân thêm thông tin về bệnh và cách phòng bệnh do vi-rút Zika. Đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai.
Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện chuyên khoa, có khoa phụ sản trong quá trình khám thai cần lưu ý thêm cách phòng bệnh do vi-rút Zika cho thai phụ, tầm soát, ghi nhận, giám sát trẻ sinh ra có dị tật đầu nhỏ để xác định mối liên quan giữa trẻ có dị tật này và vi-rút Zika.
“Bệnh do vi-rút Zika thường nhẹ, còn nhẹ hơn sốt xuất huyết. Người lớn nhiễm vi-rút Zika hầu như không có vấn đề gì và có thể khỏi sau 4-5 ngày điều trị triệu chứng. Bệnh chỉ được khuyến cáo nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu vì biến chứng nguy hiểm nhất do vi rút Zika theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ khi mang thai ở 3 tháng đầu bị nhiễm Zika”, bác sĩ Hưng lưu ý.
Theo bác sĩ Dũng, thời gian qua, TP.HCM đã giám sát dịch theo hệ thống các bệnh viện trên toàn TP. Qua đó, đã lấy mẫu tầm soát dịch là 748 mẫu. Tính đến hôm nay (18.10), đã phát hiện 4 ca nhiễm vi-rút Zika, trong đó có 3 ca xuất hiện liên tiếp trong vòng nửa tháng qua (tại Q.9, 2 và 12).
Viên An (TNO)
Bình luận (0)