- 1 TP.HCM công bố hết dịch sởi tại một số phường, tiến tới kiểm soát toàn TP trong quý II-2025
Ngày 27-3, Sở Y tế TP.HCM thông tin về tiến trình kiểm soát dịch sởi trên địa bàn, cho biết đến nay đã có 22 phường, xã được công bố hết dịch. Nhờ chiến dịch tiêm chủng mở rộng và các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, số ca mắc sởi tại TP giảm mạnh, dịch bệnh đang dần được khống chế.
TP.HCM đang tiến gần đến mục tiêu kiểm soát hoàn toàn dịch sởi khi đến tuần 12 năm 2025, đã có 22 phường, xã thuộc quận 1, quận 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện công bố hết dịch. Đây là kết quả từ những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh quyết liệt của ngành y tế TP.
Từ đầu năm 2025, số ca mắc sởi tại TP.HCM có xu hướng giảm nhanh trên tất cả các nhóm tuổi. Đến tuần 12, đã có 50 phường, xã thuộc 13 quận, huyện và TP.Thủ Đức không ghi nhận ca bệnh mới trong ba tuần liên tiếp. Nhờ đó, ngành y tế đã hoàn tất quy trình thẩm định và trình UBND TP công bố hết dịch tại 22 địa phương đạt điều kiện.

Đây là kết quả của chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi quy mô lớn, giúp tăng cường miễn dịch cộng đồng và kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, việc chủ động phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch đã góp phần quan trọng vào thành công này.
Trước nguy cơ bùng phát dịch sởi do gián đoạn tiêm chủng trong đại dịch Covid-19, TP.HCM đã sớm triển khai kế hoạch phòng chống. Tháng 2-2024, Sở Y tế ban hành kế hoạch tiêm bù vắc-xin sởi cho trẻ. Đồng thời, thành phố phối hợp với các bệnh viện lớn và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để đánh giá miễn dịch cộng đồng. Kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi có kháng thể phòng bệnh sởi chỉ đạt 86% – thấp hơn mức cần thiết để bảo vệ cộng đồng (95%).
Tháng 5-2024, ca mắc sởi đầu tiên sau hơn hai năm không có dịch đã xuất hiện tại TP.HCM. Đến tháng 6-2024, đánh giá của HCDC và Viện Pasteur TP.HCM xác định thành phố có nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Dựa trên cơ sở khoa học và tham khảo ý kiến chuyên gia, TP.HCM đã quyết định công bố dịch sởi vào ngày 27-8-2024.
Ngay sau khi công bố dịch, TP.HCM nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn diện. Ngày 31-8-2024, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi bắt đầu trên toàn thành phố, diễn ra xuyên suốt kỳ nghỉ lễ 2-9. Trong 4 ngày đầu tiên, hơn 5.000 trẻ đã được tiêm.
Đến tháng 9-2024, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức tiêm vắc-xin tại trường học. Hơn 1.100 trẻ đã được tiêm ngay trong ngày đầu tiên. Ngoài ra, hệ thống tiêm chủng tư nhân cũng tham gia chiến dịch, giúp mở rộng phạm vi tiêm phòng miễn phí.
Nhằm bảo vệ nhóm trẻ có nguy cơ cao, thành phố cũng triển khai tiêm phòng cho nhân viên y tế và sử dụng immunoglobulin dự phòng cho trẻ mắc bệnh nền sau khi tiếp xúc với bệnh nhân sởi. Việc này giúp hạn chế lây lan dịch bệnh trong bệnh viện.
Tính đến ngày 23-3-2025, chiến dịch tiêm chủng đã đạt được 280.244 mũi tiêm, trong đó tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi đạt 100%, nhóm 6-10 tuổi đạt 99,51%. Nhờ đó, số ca mắc mới giảm rõ rệt và dịch bệnh dần được kiểm soát.
Từ đầu đợt dịch đến nay, các bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận hơn 8.000 ca bệnh sởi từ địa bàn TP và hơn 12.000 ca từ các tỉnh khác. Trước áp lực lớn này, ngành y tế đã tập trung nguồn lực điều trị, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế.
Sở Y tế cũng tổ chức họp chuyên gia, thống nhất hướng dẫn điều trị sởi, bao gồm chỉ định sử dụng immunoglobulin (IVIG) cho một số trường hợp nặng. Kết quả là trong tổng số 8.087 ca mắc tại TP.HCM, chỉ có 151 ca phải hỗ trợ hô hấp (1,6%) và 7 ca tử vong (tỷ lệ 0,8/1.000), chủ yếu là trẻ có bệnh nền chưa tiêm vắc-xin.
Dù tình hình dịch đã được kiểm soát, TP.HCM vẫn duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ tại cộng đồng và trường học. Thành phố cũng tiếp tục triển khai tiêm chủng cho trẻ em đủ tuổi và tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm đầy đủ.
Song song đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm chủng. Phụ huynh được khuyến khích đưa trẻ đi tiêm đúng lịch để duy trì miễn dịch cộng đồng, góp phần ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh quay trở lại.
Với những kết quả tích cực đã đạt được, TP.HCM đang hướng đến mục tiêu chấm dứt hoàn toàn dịch sởi trên toàn địa bàn trong quý II-2025.
Thủy Phạm
Bình luận (0)