Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TP.HCM công bố tiêu chí chọn sách giáo khoa chương trình mới

Tạp Chí Giáo Dục

UBND TP.HCM vừa công bố tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa chương trình GDPT 2018 lớp 1, lớp 2, lớp 6 cho năm học 2021-2022. Theo đó, UBND TP quy định, việc chọn SGK chương trình mới các đơn vị cần đảm bảo tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của TP, đồng thời đáp ứng tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.


TP.HCM lưu ý việc chọn SGK cần đảm bảo các tiêu chí phù hợp với đặc thù TP, đặc thù đơn vị và cần được lấy ý kiến rộng rãi, công khai

Phù hợp với bản sắc văn hóa TP và đặc thù đơn vị

Cụ thể, ở tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của thành phố, UBND quy định qua 6 nội dung bao gồm: Phù hợp với việc giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh thành phố, giúp học sinh thấm nhuần, tự hào với văn hóa, truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình của TP.HCM, tự hào là công dân của Việt Nam, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội và cộng đồng. Kiến thức hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế, có giá trị liên hệ thực tiễn đến đời sống hằng ngày, môi trường xung quanh học sinh. Đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa người Việt Nam trên mọi miền đất nước, trong đó có chú trọng đến phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của thành phố. Đáp ứng được định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố, xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Khuyến khích học sinh thực hành nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực chủ động học tập, hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, giáo dục gợi mở, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào cuộc sống. 

Ở tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, UBND TP nêu rõ, sách được chọn phải phù hợp năng lực, trình độ của đội ngũ, cán bộ quản lý, giáo viên… phục vụ mục tiêu giáo dục, nhất là trong tổ chức dạy học ngoại ngữ, tin học, chủ đề STEM, rèn luyện kỹ năng mềm giúp học sinh trở thành người công dân toàn cầu, sẵn sàng cho quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của thành phố. Song song đó phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện đại, phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông trong tổ chức các hoạt động giáo dục. Đảm bảo tính phân hoá, đa dạng trong loại hình trường lớp, tạo điều kiện khuyến khích các cán bộ quản lý và giáo viên tâm huyết, năng động, sáng tạo, phát huy năng lực, sở trường, tổ chức dạy học theo định hướng phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh, tăng cường giáo dục kỹ năng thực hành xã hội. Đặc biệt, UBND TP nhấn mạnh, SGK khi lựa chọn cần phải đáp ứng tích cực và có tính mở trong đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá hướng đến giáo dục thông minh, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế, xây dựng xã hội học tập.

Lấy ý kiến, thảo luận rộng rãi trong chọn SGK

Làm rõ hơn việc chọn SGK cho Chương trình mới trong năm học tới, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng mới có văn bản hướng dẫn các địa phương lựa chọn SGK năm học 2021-2022. Trong văn bản, Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh, các trường cần tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu kỹ Thông tư số 32 của Bộ GD-ĐT, các clip thông tin, Thông tư 25, các văn bản, tiêu chí lựa chọn SGK của UBND TP, danh mục SGK lớp 1,2,6 được Bộ GD-ĐT phê duyệt… để lấy ý kiến giáo viên, thực hiện thảo luận trong chọn SGK. Đồng thời, Sở cũng lưu ý các trường nếu có điều chỉnh, bổ sung danh mục lựa chọn SGK lớp 1 thì cần tổng hợp ý kiến nghị của giáo viên, phụ huynh, học sinh về việc điều chỉnh, bổ sung, gửi ý kiến bằng văn bản về phòng GD-ĐT hạn cuối ngày 15-1, phòng tổng hợp gửi về Sở trước ngày 20-1.

Từ năm học 2021-2022, việc chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông sẽ được áp dụng theo Thông tư 25 (thay vì Thông tư 01như năm học 2020-2021). Thông tư 25 quy định UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt, chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương mình. Cụ thể, theo Thông tư, mỗi môn học của một cấp học tại 1 tỉnh thành lập một Hội đồng lựa chọn SGK. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người trong đó ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp đó. Quy trình chọn SGK sẽ được thực hiện như sau: Cơ sở giáo dục phổ thông sẽ đề xuất SGK. Phòng GD-ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo Sở GD-ĐT danh mục SGK của các cơ sở. Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng lựa chọn SGK, từ kết quả đó Sở GD-ĐT sẽ trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)