Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Công viên cũ bị lấn chiếm, công viên mới còn nằm… trên giấy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm 2021, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2025”, trong đó đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 tăng thêm 150ha đất công viên công cộng, diện tích công viên công cộng tăng 0,65m2/người, tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng; trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh… Tuy nhiên vì 1.001 lý do mà đến nay chỉ tiêu này cơ bản vẫn còn nằm trên… giấy.


Công viên Tao Đàn (Q.1) là nơi nhiều người dân đến vui chơi, thể dục hàng ngày

Hiện TP.HCM có 405 công viên công cộng và các công viên khu dân cư. Tuy nhiên, theo TS. Đinh Quang Diệp – giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, việc phân bổ mảng xanh không đồng đều. Các quận nội thành có số lượng, diện tích công viên nhiều hơn các quận mới, huyện ngoại thành dù khu vực này có quỹ đất công viên cây xanh rất lớn.

Tại một số địa phương, các mảng xanh hiện hữu đang đối mặt với khó khăn như thiếu ngân sách chăm sóc – trồng mới, thiếu quỹ đất để hoàn thiện công viên theo kế hoạch đề ra.

Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Tây – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh – là do khó khăn về mặt bằng. Cụ thể, riêng huyện Bình Chánh hiện còn 14 công viên đang trình Sở Xây dựng bàn giao, 5 công viên khác thì chưa bàn giao do vướng bồi thường.

Bên cạnh đó, một số công viên hiện hữu đang trở thành nơi tập kết rác như Công viên Bến Hải (P.5, Q.Gò Vấp); không ít công viên bị chiếm dụng diện tích…

Ông Đoàn Thái Dương (cử tri P.10, Q.10) bức xúc: “TP đã có chủ trương tháo dỡ hàng rào, mở rộng cửa để người dân được dạo chơi ở các công viên. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng chiếm dụng diện tích công viên cho mục đích kinh doanh như sân khấu ca nhạc, tổ chức hội chợ, dựng ki-ốt buôn bán… khiến các mảng xanh và cảnh đẹp bị thu hẹp đáng kể”.

Để đạt được tiêu chuẩn mỗi người dân đô thị có khoảng 7m2 cây xanh nhằm đảm bảo không khí trong lành đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo ông Đặng Phú Thành – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, các dự án đầu tư khu dân cư trên địa bàn TP có đầu tư công viên dự kiến đến 2025 đạt trên 100ha đất, chiếm khoảng 72% chỉ tiêu. Để đảm bảo kế hoạch, thời gian tới Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư, các sở ngành và địa phương tham mưu UBND TP đầu tư phát triển công viên cây xanh công cộng, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng khu dân cư đầu tư công viên và bàn giao cho nhà quản lý. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng thành lập đoàn kiểm tra công tác trồng cây xanh trên địa bàn TP…

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân – Trưởng ban Đô thị HĐND TP – cho biết, để quản lý và phát triển công viên, cây xanh công cộng tốt hơn trong thời gian tới, Thường trực HĐND TP đã đề nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế – xã hội để tổ chức thực hiện “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ”, “Kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh của TP” giai đoạn 2021- 2025 nhằm cải thiện cảnh quan, bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề nghị UBND TP giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn, cơ cấu sử dụng đất đối với các loại hình công viên công cộng trên địa bàn TP; rà soát, cân đối, tham mưu bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021- 2025 để Sở Xây dựng tổ chức thực hiện các dự án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP theo quy định…

Ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP – cho biết, sắp tới, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề nghị đưa mô hình nhà cao tầng ở một số khu vực nhằm tiết kiệm diện tích, đồng thời dành ra các quỹ đất xung quanh để phát triển cây xanh, công viên công cộng.

Cũng theo ông Nhã, việc tăng cường mảng xanh ở TP.HCM không chỉ phụ thuộc vào bộ tiêu chuẩn quốc gia mà còn phụ thuộc vào quỹ đất, nguồn lực… Do đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đang rà soát, chuẩn bị báo cáo UBND TP thực hiện xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng của TP trên cơ sở tiếp nhận, tiếp thu các ý kiến, khảo sát thực tiễn. Trong đó, đề xuất các giải pháp công viên phân tán nhỏ hơn để thực sự đi vào đời sống.

Ông Nhã cho biết thêm, sở dĩ có tình trạng công viên tập trung nhiều ở khu vực nội thành quận 1, 3, 4, 5, 10 là do trước đây TP chưa bị áp lực về tình trạng phát triển dân số nhanh. Để công viên và mảng xanh phủ đều TP, hiện nay đồ án quy hoạch chung và phân khu đã phân bổ công viên đều khắp các quận, huyện. Theo đó 600 đồ án quy hoạch phân khu đã có đủ tiện ích cho công viên cây xanh và đã được phê duyệt. Tuy nhiên phần lớn còn nằm trên giấy nên TP vẫn chưa đạt chỉ tiêu diện tích công viên, cây xanh đề ra…

Minh Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)