Mặc dù thực hiện không ít giải pháp xóa ngập, tuy nhiên thành phố vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng cứ mưa là ngập. Kéo theo đó là kẹt xe, ùn tắc giao thông và cuộc sống người dân ảnh hưởng không nhỏ.
Mưa xuống, người dân lại vất vả đối diện với đường ngập (ảnh chụp tại đường D2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) |
Nước ngập, rác nổi, xe kẹt
Đến hẹn lại lên, sau một cơn mưa, các tuyến đường Hồng Bàng, Tôn Thất Hiệp (quận 11), Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, D2, Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), Hậu Giang (Q.6)… lênh láng nước, rác thải và ngổn ngang xe gắn máy chết máy.
Ở trận mưa chiều gần đây, (ngày 8-10), người dân khu vực đường Ung Văn Khiêm phải đối diện với cảnh nước ngập gần đầu gối, rác tràn khắp đường, còn giao thông thì ùn tắc do nhiều xe chết máy. Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ ở đường D2 giao đường Ung Văn Khiêm) phàn nàn: “Trận mưa diễn ra chỉ khoảng tiếng đồng hồ mà làm đảo lộn hết cả lên. Nhà nào nhà nấy lo ngăn nước vào nhà, nhà thấp thì lo tát nước, dọn đồ đạc lên cao để tránh ướt nhưng vẫn phải chấp nhận bì bõm dưới dòng nước đen ngòm, mùi hôi. Cám cảnh nhất là tình trạng kẹt xe nếu mưa trúng giờ cao điểm”.
Ông Minh cho rằng, Ung Văn Khiêm là tuyến đường luôn phải gánh một lượng lớn phương tiện giao thông từ hướng Q.9, Thủ Đức đổ dồn về hướng cầu Bình Triệu, Bến xe Miền Đông Q.Thủ Đức. Chỉ cần lượng mưa đến đầu gối là y như rằng, nhiều xe chết máy và gây ùn tắc. Chưa kể, nhiều phương tiện bị kẹt ở tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh thường tìm cách chạy ngược sang Ung Văn Khiêm khiến tình trạng kẹt càng nặng hơn.
Bà Trần Thị Bé, nhà ở đường Hậu Giang cũng than thở, cứ mùa mưa đến là cả nhà bà phải tích cực tát nước. Nước rút lại đối diện mùi hôi, phải lau chùi nhà cửa, nhặt rác ở ngoài tràn vào. Nhà bà Bé không buôn bán còn đỡ vất vả, chứ những hộ kinh doanh buôn bán bên cạnh thì chỉ có chạy mưa dọn hàng không cũng đủ mệt. Chưa kể hàng hóa, vật dụng dính nước mưa sẽ bị thiệt hại, công việc gián đoạn, ảnh hưởng.
Theo bà Bé, những năm trước tuyến đường này cũng bị ngập nhưng mực nước thấp và nhanh chóng rút cạn khi mưa ngừng. Năm nay, mới chỉ mưa vài trận, nước ngập ngang gần đầu gối, mưa ngớt cả nửa tiếng đồng hồ nhưng nước vẫn chưa rút hết.
Nhiều giải pháp nhưng ngập vẫn ngập
Thông tin từ Phòng Quản lý cấp thoát nước, trong năm 2016 này, thành phố tiếp tục giải quyết 6 điểm còn lại của kế hoạch 2015 (Hậu Giang; Lê Quang Sung; Mai Xuân Thưởng, Cao Văn Lầu (Q.6) và Hồng Bàng; Tôn Thất Hiệp (Q.11) bằng gói thầu K thuộc Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2. Và 2/17 điểm hiện hữu (gồm Nguyễn Xí; Quốc lộ 13, đoạn Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) bằng công trình cải tạo hệ thống thoát nước. |
Trước thực trạng cứ mưa là ngập đường, hàng năm thành phố đưa ra và thực hiện không ít giải pháp như: Xây dựng hệ thống thoát nước, nạo vét kênh, vệ sinh môi trường lưu vực các con sông thế nhưng ngập vẫn cứ ngập. Bên cạnh đó, không ít giải pháp chống ngập do triều cường như dự án đê bao, cống ngăn triều cường góp phần không nhỏ trong việc giải quyết ngập do mưa nhưng cũng không thấm là bao. Trong năm 2015, thành phố tập trung giải quyết 51 điểm ngập nước trên địa bàn, trong đó có 21 điểm phát sinh mới, tuy nhiên kết quả mới đạt được 45 điểm (88,24%), còn đến 6 điểm chưa thể thực hiện. Năm nay, ngoài 6 điểm này còn đến 17 điểm ngập hiện hữu, trong đó có 2 điểm thuộc khu vực trung tâm và 15 điểm khu vực ngoại vi.
Theo Phòng Quản lý cấp thoát nước (Sở GTVT), hiện tại hệ thống thoát nước của thành phố chủ yếu thông qua hệ thống sông, kênh, rạch. Song hệ thống sông, kênh, rạch lại chưa được đầu tư nạo vét, gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước. Cụ thể, với 3.020 tuyến có tổng chiều dài là 5.075km song mới chỉ nạo vét được 60,3km (chiếm 1,19%) trên 4 trục tiêu thoát nước chính (Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên; Tàu Hủ – Bến Nghé – Kênh Đôi, Tẻ; Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Tân Hóa – Lò Gốm). Bên cạnh đó, hầu hết hệ thống cống thoát nước được đầu tư từ thời Pháp, chỉ đáp ứng cho quy mô dân số khoảng 2 triệu người nhưng hiện nay dân số đã tăng lên gấp 5 lần. Qua thời gian dài sử dụng, hệ thống cống vốn đã có tiết diện nhỏ (trung bình khoảng 600mm ÷ 800mm), quá cũ, xuống cấp, hư hỏng mà chưa có điều kiện thay thế. Chưa kể, ý thức của người dân còn hạn chế, quản lý còn lỏng lẻo khiến nhiều nơi bị lấn chiếm, san lấp trái phép và xả rác ra kênh rạch, cửa xả làm thu hẹp dòng chảy, tắc nghẽn hệ thống cống, miệng cửa xả.
Theo ông Đặng Phú Thành, Trưởng phòng Quản lý cấp thoát nước, khối lượng cống thoát nước đến nay chỉ đạt được khoảng 43,22% so với yêu cầu của quy hoạch 752, chủ yếu tập trung trong vùng trung tâm thành phố, chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước.
Ngoài những nguyên nhân trên, các trận mưa trong những năm gần đây tăng cả tần suất lẫn vũ lượng cũng là nguyên nhân gây ngập nặng. Chỉ khoảng một giờ đồng hồ, vũ lượng đã đạt tới 100mm ÷ 122mm, trong khi đó, quy hoạch tổng thể thoát nước của thành phố đến năm 2020, tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91m (kênh, rạch); 85,36mm (cống cấp 2); 75,88mm (cống cấp 3), mực nước triều +1,32m.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Bình luận (0)