Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP HCM cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu

Tạp Chí Giáo Dục

Các doanh nghiệp tại TP HCM khẳng định ưu tiên bảo đảm hàng hóa, thực phẩm cho người dân; các siêu thị, cửa hàng tăng lượng dự trữ, cung ứng hàng hóa lên gấp 2-3, có nơi tăng gấp 5 lần

Chiều 7-7, sau khi TP HCM công bố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9-7, lượng khách đổ dồn đến các siêu thị, cửa hàng tại TP HCM mua sắm tiếp tục gia tăng, nhiều nơi rơi vào tình trạng quá tải.

Siêu thị thiếu hàng cục bộ

Theo các siêu thị, tình trạng khách tập trung mua sắm tại điểm bán lẫn đặt hàng online bắt đầu tăng mạnh từ chiều 6-7, sang ngày 7-7 lượng mua sắm càng đông đúc hơn. Hầu hết siêu thị, cửa hàng phải bố trí khu vực hành lang, lối đi bên ngoài khuôn viên cho khách xếp hàng chờ. Riêng một số siêu thị có diện tích lớn, lượng khách tập trung quá đông dẫn đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, ban giám đốc siêu thị phải linh hoạt đóng/mở cửa ra vào theo từng đợt khách vào mua hàng.

Tại buổi họp báo vào chiều cùng ngày, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ thừa nhận đã có hiện tượng người dân đổ xô đi mua thực phẩm, hàng thiết yếu, tạo sự thiếu hụt cục bộ. Bên cạnh đó, việc tập trung đông người trong thời điểm này là không an toàn. 

"3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn cùng 124 chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm ở kênh truyền thống. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TP HCM mà chỉ là thay đổi cách mua bán. 

Từ tập trung tại các chợ đầu mối như lâu nay, các thương nhân, đơn vị phân phối chuyển sang hình thức phân phối trực tiếp về chợ truyền thống hoặc bán hàng qua điện thoại, bán hàng online. Bên cạnh đó, chúng ta còn có 106 siêu thị hiện tại, 12 cửa hàng lớn chuyên kinh doanh thịt gia súc, hơn 2.600 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích và 28.700 cửa hàng bách hóa cung ứng hàng hóa" – ông Vũ cho biết.

Các siêu thị đã chuẩn bị lượng lớn thực phẩm tươi sống để phục vụ nhu cầu tăng cao của khách hàng

Ngành công thương đã làm việc với các DN phân phối, DN bình ổn thị trường để tăng dự trữ, cung ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu người dân. "Chúng ta có nguồn cung ứng dồi dào, kênh phân phối đa dạng thì không nên quá lo lắng. Chúng tôi mong người dân mua sắm khoa học, an toàn để bảo đảm công tác phòng chống dịch" – ông Vũ nhắc lại.

Dự trữ hàng đến 6 tháng

Trao đổi với các phóng viên, đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op, MM Mega Market, Satra… đều khẳng định nguồn hàng lương thực thực phẩm cho thị trường TP HCM không thiếu, DN đang sắp xếp cho phù hợp với bối cảnh mới. Trong đó, tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ cung cấp trong vòng 1-3 tháng, đa dạng hình thức bán hàng.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op, cho biết đơn vị này đã tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu gấp 3-5 lần, bảo đảm sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới. Đặc biệt, kể từ ngày 8-7 tùy vào tình hình từng địa phương, toàn bộ hệ thống Co.opmart trên địa bàn TP sẽ tăng cường phục vụ người dân từ 6 giờ sáng cho đến khi hết khách, có thể kéo dài đến 24 giờ mỗi ngày. "Nguồn hàng không thiếu, DN đang sắp xếp lại để cung ứng phù hợp với bối cảnh mới" – ông Đức nhấn mạnh.

Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Satra, cũng cho biết đã dự trữ lượng hàng đủ cung cấp trong 1 tháng. Nếu tình hình căng thẳng hơn, trong vòng 1 tuần, Satra có thể huy động thêm 100% lượng hàng dự trữ. Đại diện MM Mega Market cho biết ngoài việc tăng dự trữ, tổ chức phục vụ đối tượng khách hàng hiện hữu tại siêu thị, khách đặt online, hệ thống MM Mega Market còn phối hợp với Sở Công Thương tổ chức cung cấp hàng nông sản, thủy sản giá sỉ cho tiểu thương các chợ truyền thống trong thời gian chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động. 

Công bố danh sách các điểm bán hàng thiết yếu

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, chiều 7-7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã họp khẩn với các đơn vị thuộc bộ để thành lập ngay Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thường xuyên liên hệ, trao đổi với UBND, Sở Công Thương và các đơn vị chức năng của TP HCM và các tỉnh phía Nam có dịch để kịp thời nắm bắt nhu cầu điều phối hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng thường xuyên, không bị đứt gãy hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân.

Trong ngày, Sở Công Thương TP HCM cũng công bố danh sách các điểm bán thực phẩm, hàng thiết yếu tại các quận, huyện, TP Thủ Đức với đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, phương thức bán hàng online… để người dân TP tiện liên hệ mua hàng.

M.Chiến

Theo Thanh Nhân/NLĐO

 

Bình luận (0)