Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

TP.HCM: Cuộc thi phim ngắn – sân chơi cho các nhà làm phim trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Các cuộc thi làm phim ngắn là bước đệm để các nhà làm phim định hình phong cách cá nhân, tìm được nhiều tài năng trẻ, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho nền điện ảnh nước nhà.
 
TP.HCM: Cuoc thi phim ngan - san choi cho cac nha lam phim tre hinh anh 1
Dự án phim ngắn CJ chắp cánh cho tài năng trẻ của điện ảnh Việt. (Nguồn: Ban Tổ chức)

Các cuộc thi làm phim ngắn đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng làm phim và giới trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính những sân chơi này là bước đệm để các nhà làm phim định hình phong cách cá nhân, tìm được nhiều tài năng trẻ, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho nền điện ảnh nước nhà.

Hiện thực hóa giấc mơ làm phim của người trẻ

Từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc thi làm phim ngắn quy mô, thu hút đông đảo sự tham gia của các bạn trẻ. Là lực lượng sáng tạo nòng cốt, các nhà làm phim trẻ đã và đang đóng vai trò quan trọng cùng đội ngũ làm phim kỳ cựu tạo đà cho điện ảnh Việt Nam phát triển.

Trung tuần tháng 5, cuộc thi “Phim ngắn 14 ngày” – sân chơi cho các thí sinh tuổi từ 18-35 tuổi với một phim ngắn online thời lượng 15 phút đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo người trẻ.

Cuộc thi khép lại với hơn 300 đội đăng ký dự thi, thu về hơn 70 phim; trong đó có 66 phim đạt chuẩn để cạnh tranh 8 giải thưởng chính thức.

Tiếp đó, chương trình “Storytellers” do ForGood Vietnam phối hợp với Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã trao thưởng 10 hạng mục trong tổng số 28 phim ngắn. Đứng sau dự án này là những gương mặt làm phim rất trẻ, có điểm nhìn nhân văn, ấn tượng.

Ra đời từ năm 2018, đến nay, Dự án phim ngắn CJ do CJ Cultural Foundation và CJ CGV Việt Nam thực hiện đã trở thành sân chơi điện ảnh uy tín cho nhiều đạo diễn trẻ tài năng trong nước.

Năm 2023, dự án chính thức bước sang mùa thứ 4 với chủ đề “The Bridge to Glory: Kết nối đam mê – Vươn tầm quốc tế”, tiếp tục đồng hành với các đạo diễn trẻ trên con đường hiện thực hóa giấc mơ làm phim, mang “tiếng nói” Việt Nam ra thế giới.

Ở mùa 4, Ban Tổ chức đã công bố 5 dự án xuất sắc nhất nhận kinh phí tài trợ làm phim 1,5 tỷ đồng gồm“Thằng bé bán kem” (đạo diễn Huỳnh Công Nhớ); “Vùng trũng” (đạo diễn Anh La); “Anh em kiếp này” (đạo diễn Vũ Hoàng Hiệp và Tuấn Lê); “Tàn ngày rực rỡ” (đạo diễn Lý Minh Bá) và “Rừng dịu dàng” (đạo diễn Đoàn Sĩ Nguyên). Top 5 dự án sẽ được vinh danh tại Lễ trao giải vào tháng 11/2023 và trình chiếu tại các cụm rạp chiếu phim của CGV.

So với các cuộc thi đã và đang diễn ra trên thị trường, dự án phim ngắn CJ tạo nên thương hiệu bởi nhiều tác phẩm xuất sắc được lựa chọn tham gia và giành giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế uy tín như: Cannes, Venice, Berlin, Busan…

Theo kế hoạch, từ ngày 27-29/10, Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Liên hoan Phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh lần 1, dự kiến định kỳ 2 năm/lần. Đây là một trong những sự kiện nằm trong chiến lược đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố điện ảnh, thành phố sáng tạo.

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tuy quy mô chưa rộng và là lần đầu tổ chức nhưng sân chơi phim ngắn này chính là sự khởi đầu và bài kiểm tra quan trọng với các bạn trẻ khi dấn thân và chinh phục con đường làm phim.

Đây cũng là cơ hội, cầu nối để các nhà làm phim trẻ có thể bước vào lĩnh vực điện ảnh với mục tiêu cuối cùng là thực hiện những phim dài đầu tay. "Hầu hết, những người đam mê khi đến với phim đều bắt đầu từ những tác phẩm ngắn; bởi lẽ thể loại này dễ làm, tốn ít kinh phí và nhân lực… Thế nhưng, muốn phim hay và nổi bật, đòi hỏi nhà làm phim phải thực sự tài năng và sáng tạo để tìm ra những góc nhìn mới lạ, “kéo” khán giả đến gần hơn với tác phẩm của mình," bà Dương Cẩm Thúy phân tích.

Nâng vị thế điện ảnh Việt

Thực tế, làm phim ngắn để hiện thực hóa ước mơ dấn thân trên con đường điện ảnh; là giai đoạn mà hầu như các đạo diễn nào cũng trải qua. Các cuộc thi về phim ngắn còn là cơ hội để đạo diễn, quay phim và diễn viên trẻ giới thiệu bản thân, mở ra những cánh cửa mới.

Minh chứng là những tên tuổi như Vũ Ngọc Đãng, Trần Thanh Huy, Phan Gia Nhật Linh, Lux Vân… đều thành danh bắt đầu từ thể loại phim ngắn.

Theo đạo diễn Khoa Nguyễn, người khởi đầu sự nghiệp điện ảnh từ các phim ngắn trước khi có phim dài đầu tay “Người lắng nghe: Lời thì thầm” (ra mắt năm 2021) cho biết các cuộc thi phim ngắn sẽ là cơ hội tốt để nhiều bạn trẻ học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng làm phim, giúp các bạn nâng cao khả năng tư duy và kể chuyện bằng hình ảnh.

Tuy nhiên, để tránh việc các cuộc thi tổ chức ngày càng nhiều, tràn lan, thiếu chất lượng, đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng, các tổ chức chính trị-xã hội dành cho bạn trẻ (như: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên) cùng các đơn vị quản lý Nhà nước, hội nghề nghiệp (như Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh…) cần có hướng dẫn, hỗ trợ để các cuộc thi ngày càng được nâng cao về chất lượng và quy mô, giúp các bạn trẻ nhận được nhiều giá trị thực tiễn hơn trong hành trình theo đuổi đam mê.

Nói đến xuất phát điểm từ phim ngắn, không thể không nhắc đến đạo diễn Trần Thanh Huy. Trước khi bộ phim “Ròm” ra đời, anh đã thực hiện đến 18 phim ngắn. Theo đạo diễn Trần Thanh Huy, phim ngắn có lợi thế quan trọng khi giúp anh định hình được phong cách.

Do đó, để bước tiếp trên con đường làm phim chuyên nghiệp, không ít tài năng trẻ đã chọn cách tự rèn luyện bản thân từ những cuộc thi phù hợp với khả năng. Rõ ràng, việc trưởng thành từ những cuộc thi điện ảnh uy tín chính là “giấy thông hành” trên bước đầu sự nghiệp, giúp họ thuận lợi hơn khi chạm đến bộ môn nghệ thuật thứ 7.

Để các nhà làm phim trẻ có cơ hội thực hiện ước mơ, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng so với thời điểm trước, các bạn trẻ bây giờ có lợi thế về ngoại ngữ, có cơ hội tốt hơn để đến với các liên hoan phim quốc tế. Họ hoàn toàn tự quyết định hướng đi của mình dựa trên năng lực. Do đó, ngoài những hỗ trợ về tài chính ở bước khởi đầu, các bạn trẻ cần sự hỗ trợ về chuyên môn từ những nhà làm phim có kinh nghiệm. Như vậy, nguồn nhân lực trẻ mới có đà để “cất cánh.”

Nhiều chuyên gia cho rằng trước khi tiếp cận với những dự án lớn, dự án dài hơi, các nhà làm phim cần bắt đầu đi từ bước cơ bản nhất. Phim ngắn trở thành một “bước đệm” để họ định hình phong cách cá nhân, đồng thời là “tấm giấy thông hành” đầu tiên để tiếp cận các nguồn tài trợ, nuôi dưỡng giấc mộng phim dài.

Nội dung mới mẻ, ngôn ngữ điện ảnh đậm bản sắc riêng, cách kể chuyện đầy sáng tạo là những điểm cộng giúp phim ngắn lên ngôi.

Đến nay, phim ngắn đã ít nhiều có chỗ đứng, cũng như chính thức có tên trong hạng mục giải thưởng của các Liên hoan Phim Quốc tế. Về lâu về dài, đây chính là cách đưa phim ảnh Việt Nam nâng tầm vị thế, vươn ra thế giới./.

Theo Thu Hương/TTXVN/Vietnam+

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)