Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở đã có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề xuất bổ sung và nâng cấp hạ tầng máy chủ Hệ thống thông tin giáo dục Ngành Giáo dục đào tạo TP.HCM, phục vụ việc dạy và học trực tuyến.
Sáng 6-9, buổi học trực tuyến đầu tiên trong năm học 2021-2022 với hơn 700.000 ngàn học sinh trung học TP.HCM. Nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh TP phản ánh rất khó khăn để truy cập vào các phần mềm học trực tuyến để học.
Chiều 6-9, trao đổi với Giáo Dục TP.HCM về sự cố này, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, ông đã nắm được tình hình sự cố việc truy cập vào các phần mềm học trực tuyến của các nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh ngay trong sáng 6-9, và ngay lập tức đã có sự chỉ đạo để cải thiện, khắc phục.
Ngay trong sáng 6-9, Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề xuất bổ sung và nâng cấp hạ tầng máy chủ Hệ thống thông tin giáo dục Ngành Giáo dục đào tạo TP.HCM.
Cụ thể, Sở GD-ĐT đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông xem xét, chấp thuận bổ sung thêm 2 servers với cấu hình mạnh; điều chỉnh, nâng cấp 1servers, trước ngày 15-9-2021 để kịp thời trển khai các giải pháp dạy học trực tuyến trong giai đoạn cấp bách triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho biết, Sở GD-ĐT TP cũng đã làm việc với ĐHQG TP.HCM- đơn vị phối hợp với Sở triển khai phần mềm LMS để nâng cấp hệ thống, mở rộng băng thông đường truyền. Hiện phần mềm LMS cơ bản đã được khắc phục.
Riêng về phần mềm K12 online, do máy chủ Viettel quản lý, Sở đã làm việc với Viettel để phối hợp, có giải pháp kỹ thuật cải thiện sự cố sớm nhất.
Lý do các phần mềm mà giáo viên, học sinh TP gặp sự cố khi truy cập học trực tuyến trong sáng hôm nay (6-9), do đây là buổi đầu tiên học trực tuyến của học sinh trung học, với số lượng truy cập quá lớn nên đã dẫn đến sự cố quá tải hệ thống. Riêng phần mềm LMS có thời điểm lên đến trên 900.000 người truy cập.
Được biết, K12 online, LMS là 2 trong 8 hệ thống dạy học trực tuyến được tích hợp, kết nối và đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đào tạo TP, nhằm đảm bảo quản lý được việc tổ chức dạy- học trực tuyến cho giáo viên, học sinh và các nhà trường, đồng thời giúp các cơ quan quản lý giáo dục cũng dễ dàng theo dõi, đánh giá, quản lý được hoạt động dạy học trực tuyến.
“Với số lượng người truy cập quá lớn cùng một lúc, các phần mềm rất dễ bị quá tải. Trước mắt, các nhà trường, giáo viên, học sinh có thể khai thác, chuyển đổi hệ thống dạy học trực tuyến với các phần mềm còn lại đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành để dạy học trong thời gian tới.
Đây là lần đầu tiên việc dạy- học trực tuyến được triển khai ngay từ đầu năm học, do đó khó tránh khỏi những sự cố, Sở rất mong thầy cô, học sinh, phụ huynh thông cảm. Các giải pháp khắc phục sự cố sẽ được Sở thực hiện trong thời gian ngắn nhất, để việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất”, ông Hiếu nói.
Yến Hoa
Bình luận (0)