Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM đã đưa hơn 30% nội dung chương trình giáo dục lên trực tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các trường tiểu học TP.HCM đã vượt mục tiêu đặt ra khi đã đưa gần 27% tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục lên hình thức trực tuyến. Với bậc trung học, tỷ trọng này đã đạt gần 32%.


Các trường tiểu học TP.HCM đã đưa gần 27% tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục lên trực tuyến

Từ năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 25% nội dung chương trình giáo dục được triển khai theo hình thức trực tuyến ở bậc tiểu học, tỷ lệ này ở bậc trung học là ít nhất 35%.

Sau 2 năm triển khai, về các mục tiêu này, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin hiện nay tỷ trọng nội dung triển khai dưới hình thức trực tuyến ở bậc tiểu học đã chiếm 26,92%. Ở bậc trung học, tỷ trọng chiếm 31,67%.

Hiện nay, 100% giáo viên phổ thông thành phố đã có máy tính và đường truyền internet (53.483 giáo viên); Tổng số học sinh phổ thông có máy tính là 1.258.782 học sinh, đạt tỷ lệ 99,87%. Tổng số học sinh có đường truyền Internet 1.258.303 đạt tỷ lệ 99,84 %. Số lượng học sinh phổ thông tham gia sử dụng nền tảng dạy và học trực tuyến đạt tỷ lệ 92.13%.

Ngành giáo dục TP.HCM đang triển khai 10 nền tảng dạy và học trực tuyến, bao gồm: K12Online, MegaSchool, Cohota, Vietschool, VNPT, LMS360, Google Classroom, Schoology, Microsoft, Shub.


Tỷ trọng ở bậc THCS là gần 32% nội dung chương trình giáo dục lên trực tuyến

“Mỗi cơ sở giáo dục được lựa chọn một hệ thống quản lý học tập (LMS) tích hợp các chức năng xây dựng nội dung tương tác và bài giảng số phù hợp theo nhu cầu của đơn vị và phụ huynh. Năm học 2023-2024, hơn 80% trường học đã triển khai kho học liệu số, bao gồm tất cả các trường theo mô hình tiên tiến hội nhập” – ông Quốc cho biết.

Ông Nguyễn Bảo Quốc đánh giá, đến năm học 2023-2024, ngành giáo dục đã hoàn thiện các nền tảng dạy học trực tuyến kết hợp với kho học liệu số dùng chung, các mô hình dạy học kết hợp, lớp học thông minh, bài giảng tương tác được triển khai nhằm mở rộng hoạt động học tập của học sinh ra ngoài phạm vi lớp học; nâng cao hiệu quả dạy học trên lớp, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Bên cạnh đó các giải pháp liên quan đến ôn tập, kiểm tra, đánh giá bằng máy tính được thí điểm tại nhiều trường phổ thông thông qua đó cho phép việc đánh giá thường xuyên dựa trên dữ liệu hành vi học tập được thực hiện một cách khách quan, khoa học.

“Mọi thứ đang đi vào quỹ đạo”

Năm học 2023-2024, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đã triển khai đưa khoảng 20% nội dung chương trình giáo dục lên hình thức trực tuyến ở tất cả các bộ môn, khối lớp. Qua hệ thống dạy và học trực tuyến, học sinh chuẩn bị bài ở nhà, ôn tập bài cũ, làm các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên…

Sau 2 năm đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục, cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du nhìn nhận, giáo viên đã quen tay hơn, không còn nghĩ rằng thêm dù một số bài giảng số đưa lên hệ thống LMS vẫn chưa đạt yêu cầu, đòi hỏi phải hoàn thiện dần theo từng năm.


Đến nay, việc dạy và học trực tuyến đã trở thành một phần của tiến trình dạy và học của giáo dục

“Nhìn chung công tác chuyển đổi số giáo dục của trường đang đi vào quỹ đạo, không còn chuệch choạch như năm đầu triển khai. Bước đầu rèn cho học sinh tính tự học trên hệ thống LMS. Từng bước giáo viên đang chuyển sang việc dạy học theo cá nhân hóa. Khi học sinh không theo kịp bài dạy tại lớp thì có nguồn học liệu để tự học lại kiến thức. Nhà trường phấn đấu đến năm 2025 đạt được mục tiêu ít nhất 35%, trong đó hoàn thiện hơn phần kiểm tra đánh giá trực tuyến…”.

Tuy nhiên, cô Trang thẳng thắn, nhà trường vẫn gặp khó khăn từ phụ huynh khi còn một bộ phận cho rằng học trên LMS là tạo thêm áp lực cho học sinh, học ở trường chưa đủ mà còn phải giao về nhà làm. Nhà trường thường xuyên phải giải thích để phụ huynh hiểu việc sử dụng là rèn tính tự học cho các em, nâng cao năng lực sử dụng CNTT, là xu thế tất yếu của giáo dục… Cạnh đó, để tăng sự đồng thuận của phụ huynh, nhà trường tính toán sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến có giá thành vừa phải, mức đóng khoảng 11 ngàn đồng/tháng nhưng vẫn đảm bảo giúp học sinh vừa học, vừa ôn, kiểm tra đánh giá trên đó.

Theo tính toán, đến năm học 2023-2024, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình) đã đưa trên 50% nội dung chương trình giáo dục lên hình thức trực tuyến. Hiện 100% bài giảng ở các môn học theo Chương trình GDPT 2018 ở 2 khối 10, 11 đã được giáo viên đưa lên hệ thống LMS. Đối với khối 12 sẽ tiếp tục được hoàn thiện ngay trong hè này.

Thầy Huỳnh Khương Anh Dũng – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình đánh giá, đến nay, việc dạy và học trên nền tảng trực tuyến đã trở thành một phần tiến trình dạy, học của cả thầy và trò. Học sinh có thể nghiên cứu bài học trực tuyến. Trong suốt năm học, các hoạt động tương tác giữa giáo viên và học sinh trên nền tảng trực tuyến được diễn ra thường xuyên, liên tục từ dạy học cho đến kiểm tra đánh giá.

Từ kinh nghiệm thực tế, thầy Dũng cho rằng chuyển đổi số giáo dục để thành công thì cần được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và đội ngũ. Mỗi đầu năm học, nhà trường giải thích rất rõ cho phụ huynh về vai trò, mục tiêu của chuyển đổi số giáo dục thông qua dạy và học trên hệ thống LMS. Đặc biệt, luôn làm rõ để đội ngũ hiểu về chuyển đổi số giáo dục là xu thế tất yếu…

“Điều quan trọng nhất phải bắt đầu từ lãnh đạo nhà trường. Để giáo viên hiểu thì hiệu trưởng phải nêu gương đi đầu trong chuyển đổi số, giúp giáo viên nhận thức rằng chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao, qua chuyển đổi số giúp giáo viên giảm bớt hồ sơ sổ sách, tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh tiếp cận nhanh chóng với thông tin nhà trường… Đặc biệt, luôn điều kiện cho giáo viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, tạo hiệu ứng để cả trường cùng chuyển đổi số…” – thầy Dũng bày tỏ.

Tiến tới cá nhân hóa trong dạy và học

Ngày 15-4, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Sở đang xây dựng dự thảo thành lập hội đồng thẩm định tiêu chuẩn và chất lượng học liệu số với sự tham gia của các đối tác liên quan và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4-2024.

Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT TP đã được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công An quản lý thông qua cơ sở dữ liệu của Bộ GD-ĐT. Thông qua kết nối này, toàn bộ dữ liệu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên khi được cập nhật các thông tin cơ bản như: họ và tên, ngày tháng năm sinh, họ tên cha, họ tên mẹ sẽ được hệ thống tự rà soát và bổ sung mã định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu ngành cũng như đối soát những dữ liệu chưa chính xác để cảnh báo cho học vụ tại đơn vị rà soát, cập nhật, bổ sung.

“Đến thời điểm này ngành giáo dục đã có hơn 99% dữ liệu “đủ, đúng, sạch, sống”… từ đó có thể đáp ứng được việc cá nhân hóa, định hướng cá nhân hóa vào trong hoạt động dạy và học tại TP.HCM” – ông Quốc nói.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)