Ngày 5-9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND TP.HCM đã tổ chức Diễn đàn du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero – Kiến tạo tương lai”.
Đây cũng là một trong những hoạt động triển khai, thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Đất nước Việt Nam luôn thể hiện là một quốc gia có trách nghiệm, cam kết thực hiện các điều ước đã đề ra, tôn trọng các khuyến nghị của các tổ chức du lịch quốc tế, đặc biệt là Tổ chức du lịch thế giới UNWTO.
Theo ông Hùng, cách tiếp cận của UNWTO đã đề ra khi phát triển du lịch xanh, cần gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ và tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân một cách bền vững.
Ở một mức độ cao hơn, du lịch Net Zero hướng tới mục tiêu giảm thiểu, loại bỏ khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực tới các hoạt động du lịch.
Với cách tiếp cận này, Chính phủ Việt Nam yêu cầu xây dựng chương trình phù hợp với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
Tinh thần đó được thể hiện qua Nghị quyết 82 về xây dựng kế hoạch vận động quốc gia tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2030, xác định ưu tiên phát triển loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch phải xanh.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch gắn với đổi mới công nghệ, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính để tạo ra sản phẩm xanh độc đáo.
Từ đó nhằm thu hút du khách, tăng cường công tác quản lý điểm đến, không có rác thải nhựa để hoàn thiện và phát huy hiệu quả của chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là chuyển đổi số.
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng cường các dòng sản phẩm đã hiện diện ở Việt Nam có thế mạnh, lợi thế, dư địa phát triển như du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, khám phá trải nghiệm các di sản tự nhiên, văn hóa.
Ngoài ra, du lịch còn có nhiệm vụ tạo ra cơ hội việc làm, chia sẻ lợi ích cộng đồng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng, phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình liên kết nhằm phát triển một cách bền vững và thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chạy đua mục tiêu Net Zero. Điều này đòi hỏi TP.HCM với vị trí trung tâm du lịch của cả nước và đi đầu trong liên kết vùng cần phải “bứt phá” hơn nữa.
TP.HCM đã gắn kết 3 ngành giao thông – năng lượng – tiêu dùng với ngành du lịch để giảm thiểu carbon.
Theo đó, thành phố tập chung vào chuyển đổi xe buýt có lộ trình 100% xe buýt thành phố thành xe buýt sạch, chuyển đổi có lộ trình shipper sang xe điện, chuyển đổi sang xe điện, xe đạp hoặc đi bộ.
Phát triển các năng lượng tái tạo ở các lĩnh vực (điện áp máy mặt trời, điện đốt rác, điện gió).
Cuối cùng là tiêu dùng xanh, hiện tại đã có khu đảo Thiềng Liềng sử dụng plastic free, huyện đảo Cần Giờ là nơi thí điểm Net Zero của thành phố.
Theo các chuyên gia, thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có hành động tập thể, đồng thời và có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi và hạn chế các “cú sốc” về kinh tế – xã hội.
Hồ Trinh
Bình luận (0)