Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM đặc biệt quan tâm thu hút, trọng dụng nhân tài để phát triển bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM là một đô thị đặc biệt, là địa phương có nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao dồi dào, chiếm hơn 30% tổng dân số của TP. Với mục tiêu tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, trong nhiều năm qua, TP.HCM đã ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với những lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu.

Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ. Ảnh minh họa

Tính đến nay, đặc biệt là sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn TP không ngừng tăng về lực lượng và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển TP.

TP.HCM hiện có khoảng 21.210 người hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có 118 giáo sư, 1.116 phó giáo sư, 6.870 tiến sĩ. TP có 371 tổ chức khoa học và công nghệ; 78 viện nghiên cứu; 279 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực hóa, sinh học, xây dựng y tế, cơ, dược, điện – điện tử; trên 135 nhóm nghiên cứu và hợp tác quốc tế…

Đáng chú ý, hiện nay, hệ thống các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP có đội ngũ trí thức tương đối đông đảo, có trình độ chuyên môn ngày càng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị cũng như góp phần phát triển kinh tế – xã hội TP.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP tập hợp hơn 60.000 hội viên trí thức khoa học và công nghệ là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, sinh hoạt tại 48 hội thành viên và các đơn vị trực thuộc, tham gia tư vấn, góp ý, phản biện các chương trình, công trình, đề án trọng điểm của TP.

Đối với thu hút và phát huy đội ngũ các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 200 trí thức hoạt động trong nhiều lĩnh vực tham gia Câu lạc bộ Khoa học và kỹ thuật người Việt Nam ở nước ngoài. Lực lượng này đã đóng góp, hiến kế, phản biện tích cực cho các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của TP. Hiện nay, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đang mở rộng hoạt động đến nhóm du học sinh, nhà nghiên cứu, lực lượng lao động chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động ở các nước. TP còn đặc biệt chú trọng xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hỗ trợ 4 ngành công nghiệp trọng yếu thông qua việc số hóa cơ sở dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 400 chuyên gia khoa học và công nghệ cho 4 ngành công nghiệp chủ lực.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được TP đặc biệt quan tâm chính là thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP có nhu cầu. Các đơn vị tiên phong trong thực hiện chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ gồm: Khu Công nghệ cao; Khu Nông nghiệp Công nghệ cao; Viện Khoa học – Công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học…

Ngoài chính sách đãi ngộ, thời gian qua TP.HCM đã chú trọng thực hiện nhiều chính sách tôn vinh, nhất là những tập thể, cá nhân có công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của TP. TP thành lập và duy trì các giải thưởng về khoa học và công nghệ, tạo động lực cho đội ngũ trí thức TP tiếp tục nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển của TP. Hàng năm, các cuộc thi về phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật TP, sáng chế TP, Euréka, sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ, giải thưởng Phạm Ngọc Thạch cho thầy thuốc trẻ tiêu biểu, giải thưởng công nghệ thông tin, giải thưởng về môi trường… được duy trì tổ chức và chất lượng giải thưởng ngày càng được nâng cao.

TP còn đặc biệt chú trọng đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý các cấp, qua đó đã khắc phục tâm lý ngại khó, thiếu chủ động, cục bộ, khép kín trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Thông qua thi tuyển, cơ quan, đơn vị không chỉ lựa chọn được những cá nhân có đủ phẩm chất, năng lực phù hợp mà đó còn là cơ hội để rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng và đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Có thể khẳng định, những kết quả mà TP.HCM đạt được trong việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, mô hình và cách làm mới về đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài thời gian qua là cơ sở quan trọng để TP tiếp tục là địa phương đi đầu về vận động và tập hợp nguồn chất xám quan trọng phục vụ nền tảng nghiên cứu khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TP.

Trước yêu cầu mới, TP.HCM muốn phát triển bền vững, trở thành nơi hội tụ tinh hoa, trí tuệ và phát huy nhân tài của đất nước cũng như khu vực, nhất thiết phải có chính sách đồng bộ và đột phá hơn nữa về phát huy yếu tố con người. Trong điều kiện nền kinh tế tri thức và ảnh hưởng sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức, chuyên gia khoa học và công nghệ cần được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu. Theo đó, từ năm 2024, TP.HCM sẽ áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ mới cao hơn giai đoạn 2018-2023 về thu hút người tài vào làm việc ở khu vực công theo các nghị quyết của HĐND TP. Dự kiến TP sẽ thành lập Quỹ phát triển nhân tài TP.HCM nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển nhân tài trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Song Hương

Bình luận (0)