Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong năm 2019 nước ta sẽ có khoảng 10-12 cơn bão hoạt động trên biển Đông và khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Trong bối cảnh mùa mưa năm nay mới trải qua cơn bão số 2, nên Sở GTVT TP.HCM tiếp tục đề nghị các đơn vị thi công nhanh chóng khắc phục sự cố về hạ tầng giao thông, để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện.
Tình trạng ùn tắc ở khu vực thi công mở rộng cầu Kênh Tẻ gây khó khăn cho người lưu thông trong gần một năm nay
Nỗi lo ở những công trình dang dở
Theo phản ánh của người dân trên tuyến đường Lạc Long Quân (quận 11), hiện còn tồn tại đoạn đường khoảng 200 mét thi công công trình cống hộp gần 2 năm nay vẫn chưa xong. Lưu thông qua khu vực này mùa nắng đã vất vả, mùa mưa còn mệt mỏi hơn, nhất là các hộ dân sinh sống hoặc buôn bán vì quá nhếch nhác, bụi bặm. Tương tự, trên đường Trần Quang Diệu (phường 13, quận 3), tình trạng tái lập mặt đường cẩu thả sau đợt đào đường năm ngoái dẫn đến tình trạng lồi lõm gây khó khăn trong lưu thông cho các phương tiện. Bên cạnh đó, tình trạng nắp hố ga, nắp cáp ngầm và nắp van điều tiết áp lực nước sinh hoạt cũng trở thành những cái bẫy người đi đường vì thi công không đúng tiêu chuẩn thiết kế. Riêng tình trạng nắp hố ga bị vênh cao hơn, hoặc thấp hơn từ 3-5cm so với mặt đường cũng là những yếu tố gây mất an toàn cho các phương tiện trên các tuyến đường như Dương Bá Trạc (quận 8), Hồ Bá Kiện (quận 10), Nguyễn Thị Minh Khai (gần giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1), Tôn Đức Thắng (đoạn trước Công viên Bạch Đằng, quận 1… Ở khu vực chợ tạm Bình Tây, người dân cũng đang “kêu cứu” vì chợ đã làm xong trước Tết Nguyên đán nhưng “hiện trường” thi công vẫn chưa được dọn dẹp triệt để.
Với mục tiêu “an toàn là trên hết”, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản yêu cầu quy rõ trách nhiệm đối với những chủ đầu tư vi phạm các điều kiện về an toàn thi công. Khi đó, lực lượng chức năng có thể đề xuất không cấp phép thi công đối với các chủ đầu tư vi phạm. Trong trường hợp để xảy ra tai nạn, công trình cũng sẽ không được nghiệm thu để đưa vào sử dụng. |
So với những bất cập kể trên, tình trạng ùn tắc ở những khu vực lô cốt thi công trên các tuyến đường cũng là vấn đề khiến người dân ám ảnh từng ngày. Trong đó khu vực cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 với quận 7) thường xuyên ùn tắc từ khi thi công mở rộng cầu gần một năm nay. Theo tường thuật của chị Trần Mỹ Hạnh (chủ cửa hàng buôn bán nhỏ ngay khu vực thi công), công trình chiếm phần lớn diện tích mặt đường, khiến người và phương tiện phải vất vả di chuyển, nhất là vào những lúc cao điểm thì kẹt xe như nêm. Tình trạng này không chỉ gây phiền toái cho người đi qua đây, mà những hộ dân buôn bán cũng thường xuyên ế ẩm vì vắng khách. Tương tự, trên đường Võ Văn Kiệt, lô cốt với mật độ dày đặc phía kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, hoặc hệ thống rào chắn trên đường Lê Lợi thuộc dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên (hướng từ Pasteur đến Bến Thành) cũng là những địa điểm gây cản trở lưu thông đáng kể.
Dừng thi công khi có dự báo bão
Theo thống kê của Sở GTVT, TP hiện có 143 rào chắn thi công công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn 18 quận huyện, tập trung trên 55 tuyến đường ở các quận 1, 2, 4, 5, 6 và quận 8. Từ tháng 10-2018 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện và xử phạt 571 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 3,2 tỉ đồng. Đa phần các vụ vi phạm có liên quan đến hành vi không treo biển báo thi công; không có lực lượng phân luồng giao thông ở khu vực đường hẹp gây nên tình trạng ùn tắc; không thu dọn biển báo, phương tiện, vật liệu, hoàn trả hiện trạng mặt đường sau khi thi công hoàn tất… Sở dĩ công tác đảm bảo an toàn đối với hạng mục hạ tầng giao thông thường xuyên được tăng cường, vì trước đây đã từng xảy ra vụ tràn vật liệu từ một công trình thi công trên Quốc lộ 1 (quận 12) làm cho 2 người đi đường bị thương nặng, thậm chí có trường hợp tử vong do bị lọt hố ga ở công trình trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân).
Nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong bối cảnh mưa bão, Sở GTVT TP.HCM đề nghị các đơn vị tăng cường nhân lực nhằm sớm hoàn tất thi công đối với các hạng mục đang còn dang dở. Đặc biệt, khi có dự báo bão, cần dừng ngay công tác thi công, không để máy móc và vật liệu ở những điểm dễ sụt lún, sạt lở nhằm tránh gây tai nạn cho người đi đường. Riêng đối với những công trình cầu cống có thời gian thi công dài ngày, cần có các phương án giải quyết hạng mục dưới nước kết hợp với biện pháp chống va trôi. Ngoài ra, lực lượng chức năng và các đơn vị thi công cần phối hợp xây dựng phương án dự phòng nhằm kịp thời xử lý trong trường hợp xảy ra sự cố giao thông bất thường do mưa bão gây ra; thường xuyên kiểm tra các bến phà, cầu phao, nơi tránh bão để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện khi có mưa bão.
Vũ Phương
Bình luận (0)