Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM dẫn đầu cả nước về môn tiếng Anh: Nỗ lực đưa tiếng Anh trở thành mục tiêu mũi nhọn!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm 2021 TP.HCM tiếp tục là địa phương đứng đầu cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với mức điểm 7,226. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp TP.HCM đứng đầu cả nước về điểm trung bình môn học này.


Năm thứ 4 liên tiếp TP.HCM đứng đầu cả nước về môn tiếng Anh

Điều đáng nói là kết quả đối sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình học bạ lớp 12 trong bộ môn tiếng Anh của TP.HCM năm 2021 có sự tương đồng gần như tuyệt đối (7,226:7,198), cho thấy việc dạy học, kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông tại TP.HCM đã “tiệm cận” với yêu cầu đánh giá đúng năng lực học sinh, theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình và trên hết là thể hiện đúng tinh thần học thật- thi thật.

Nhìn nhận về kết quả này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, điều này phản ánh đúng thực tế hiệu quả đổi mới dạy và học tại TP.HCM, không chỉ trong bộ môn tiếng Anh mà còn ở nhiều bộ môn khác. Đồng thời, là kết quả của cả một quá trình dài bền bỉ, nỗ lực đưa tiếng Anh trở thành mục tiêu mũi nhọn trong dạy và học trên toàn ngành.

Ngay từ rất sớm, khi tiếng Anh chưa được Bộ GD-ĐT đưa vào giảng dạy bắt buộc ở bậc TH thì TP.HCM đã là địa phương mạnh dạn triển khai dạy và học tiếng Anh cho học sinh từ năm lớp 1. Thống kê, hàng năm có khoảng trên 97% học sinh lớp 1 toàn TP được học ngoại ngữ. Tỷ lệ này được tăng dần theo từng năm.

Đặc biệt, từ năm học 2015-2016, TP.HCM là địa phương tiên phong xây dựng Đề án Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, tính đến nay đã có tổng số 40 trường từ mầm non, TH, THCS, THPT trên toàn TP triển khai áp dụng mô hình. Mô hình trường học này đặt ra các yêu cầu, tiêu chí riêng trong việc dạy và học môn ngoại ngữ đối với cả học sinh và giáo viên giảng dạy, từ đó tác động đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường.

Ngoài mô hình trường tiên tiến theo xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế, trong mỗi cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT, các mô hình giảng dạy tiếng Anh đều được triển khai rất đa dạng, với nhiều mô hình khác nhau như: tiếng Anh tăng cường với các phần mềm bổ trợ; tiếng Anh tích hợp; tiếng Anh tự chọn, song song với giảng dạy chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT. Chính sự đa dạng trong các mô hình giảng dạy, ứng dụng tối đa CNTT trong dạy và học, đã đáp ứng được nhu cầu, năng lực học ngoại ngữ của từng đối tượng học sinh cũng như nâng cao chất lượng dạy và học trong mỗi nhà trường, từng bước đạt đến các mục tiêu đặt ra trong Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2025.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, kết quả đạt được trong bộ môn tiếng Anh không thể không nhắc đến làn sóng chủ động, tiên phong đổi mới dạy và học trong các nhà trường tại TP.HCM từ nhiều năm nay. Làn sóng đã trở thành cú hích tác động mạnh mẽ đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên toàn TP. Các mô hình CLB, mô hình học tiếng Anh với người bản ngữ, học toán khoa học bằng tiếng Anh…, mở ra nhiều môi trường, giúp học sinh ở nhiều lứa tuổi vừa chơi, vừa học, phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của học sinh. Quá trình kiểm tra, đánh giá qua đó cũng được đổi mới song song với yêu cầu đổi mới giảng dạy, phù hợp với thực tế giảng dạy.

“Ngoài học tiếng Anh trong chương trình giảng dạy, các nhà trường còn mở rất nhiều sân chơi đổi mới tiếng Anh, thu hút đông đảo học sinh tham gia trong các buổi sinh hoạt ngoại khoá, tiết học ngoài nhà trường, CLB, và đa phần được triển khai miễn phí. Việc này giúp học sinh rèn luyện, nâng cao năng lực học tập của mình trong môn học. Về phía giáo viên, thầy cô cũng hết sức chú trọng chủ động đổi mới, nâng cao năng lực giảng dạy của bản thân, sáng tạo hơn trong mỗi tiết học, kéo học sinh về phía mình…”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đánh giá.

Cùng với quá trình nỗ lực từ phía mỗi nhà trường, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, do đặc thù TP.HCM là một TP năng động, sáng tạo, hội nhập toàn cầu nên tiếng Anh cũng được học sinh, phụ huynh TP quan tâm đầu tư nhiều. Các trung tâm học ngoại ngữ phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng học sinh từ khu vực trung tâm thành phố cho đến ngoại thành. Chất lượng các trung tâm được kiểm định chặt chẽ, nghiệm ngặt.

Một lợi thế nữa là đối tượng phụ huynh TP cũng là những người ít nhiều sử dụng tiếng Anh nên hiểu được tầm quan trọng của môn học này. Đặc biệt nhất, đó là sự chuyển biến trong nhận thức “tiếng Anh và tin học là chìa khoá để hội nhập” của học sinh TP trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Chính sự chuyển biến nhận thức này đã giúp mỗi học sinh hình thành nên nỗ lực tự thân để “bền bỉ” theo đuổi môn học, tự học, tự nghiên cứu trong mọi hoàn cảnh, tận dụng được tối đa các kênh học tiếng Anh đa dạng trên môi trường mạng như truyền hình, báo tiếng Anh, internet…

“Suốt 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc dạy và học tại TP.HCM được triển khai kết hợp cả hình thức trực tiếp và trực tuyến qua internet. Tuy nhiên, với sự chủ động vượt khó của thầy cô giáo, của mỗi nhà trường, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bằng nhiều phương thức khác nhau, linh hoạt đổi mới trong kiểm tra đánh giá, phù hợp với tình hình thực tiễn nên dù dạy và học qua internet song cũng đã mang lại những hiệu quả về chất lượng giảng dạy.

Tín hiệu trong bộ môn tiếng Anh là điểm sáng để thấy rằng việc giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh đã có sự điều chỉnh để tương đồng với quá trình đổi mới, sát với năng lực của học sinh… Và đây chính là điều quan trọng nhất, rèn cho mỗi nhà trường, thầy cô sự chuyển mình, thích nghi, rèn cho học sinh năng lực tự học trong mọi hoàn cảnh.”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)