Y tế - Văn hóa

TP.HCM dẫn đầu khu vực phía nam về số ca mắc đậu mùa khỉ với 156 ca

Tạp Chí Giáo Dục

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ năm 2023 đến 2024, TP.HCM ghi nhận 156 ca mắc đậu mùa khỉ (Mpox) và 6 ca tử vong, con số cao nhất tại khu vực phía nam. Riêng trong năm 2024, TP có 49 ca Mpox, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC)

Đặc điểm của bệnh Mpox ghi nhận tại TP.HCM

Tất cả các trường hợp mắc Mpox tại TP.HCM đều là nam giới, với độ tuổi trung bình là 32 (nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 53 tuổi). Độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 30-39 (46%), trong đó, 84% bệnh nhân tự nhận mình thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đáng chú ý, 55% bệnh nhân sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Hiện nay, dịch bệnh Mpox tại TP.HCM vẫn đang được kiểm soát tốt nhờ các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và trong cộng đồng. TP chưa ghi nhận sự thay đổi đáng kể về dịch tễ học của bệnh. Dòng virus gây bệnh Mpox hiện tại vẫn là clade IIb, là dòng phổ biến trên toàn cầu. chưa phát hiện clade Ib (là dòng mới của Mpox). Dịch vẫn lây chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc lưỡng tính, qua hành vi quan hệ tình dục không an toàn.

 

Các biện pháp phòng chống Mpox tại TP.HCM

Ông Tâm cho biết: “Ngành Y tế TP.HCM tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống dịch Mpox một cách toàn diện. Các biện pháp gồm: giải trình tự gen mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của virus, tăng cường giám sát tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt chú trọng lồng ghép với công tác phòng chống HIV/AIDS”.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phòng chống, chăm sóc và điều trị Mpox. Rà soát, cập nhật các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo nguồn lực về thuốc, trang thiết bị và nhân lực sẵn sàng ứng phó.

Ngoài ra, thông tin truyền thông về biện pháp phòng chống dịch Mpox cũng được đẩy mạnh, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao. Công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo phòng chống dịch tại các địa phương được thực hiện thường xuyên, đảm bảo báo cáo kịp thời các ca nghi ngờ hoặc mắc bệnh.

 

Khuyến cáo từ Sở Y tế TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân nên cảnh giác với triệu chứng nghi ngờ mắc Mpox và chủ động đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của nhân viên y tế, đặc biệt trong việc chăm sóc và phòng lây nhiễm.

Bộ Y tế cũng đã đưa ra các biện pháp phòng bệnh Mpox hiệu quả: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính kèm theo các triệu chứng nghi ngờ cần tự cách ly và tránh quan hệ tình dục. Tránh tiếp xúc gần với người bệnh, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng nhiễm mầm bệnh.

Khi đến các quốc gia có lưu hành dịch Mpox, cần tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ mang virus; sau khi trở về Việt Nam, cần khai báo với cơ quan y tế địa phương. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe.

Thủy Phạm

Bình luận (0)