5g30 chiều 5/4, giờ cao điểm các bà nội trợ đi mua đồ ăn cho bữa tối nhưng hàng thịt bò của cô Hoàng (tại chợ Hoàng Hoa Thám, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn rất vắng khách ghé mua. Hồi trước Tết, tầm này người mua phải dựng xe chờ nhau, cô Hoàng thái thịt cho khách rũ cả tay.
Lâu lâu, mới có người dừng xe hỏi mua nhưng với số lượng rất ít, chỉ 1 – 2 lạng thịt. Người bán cắt dư chỉ một vài nghìn họ cũng yêu cầu “xẻo” ra cho bằng được. Cô Hoàng buồn bã: “Nhiều người nhịn thịt đã đành, người ăn cũng mua rất ít. Một số khách quen, trước cố định mua dăm bảy lạng, giờ chỉ mua một nửa vậy. Có người còn mua 10.000 đồng, ăn cho có vị”.
Nhiều mặt hàng kinh doanh gặp khó khăn khi người dân thắt chặt chi tiêu
Trước đây, nếu khách mua quá ít cô Hoàng từ chối bán vì rất khó cắt nhưng giờ cỡ nào cũng phải bán nếu không chỉ có đóng tiệm khi mà… khách nào cũng muốn mua ít. Vì thế lượng hàng mỗi ngày cô bán giảm đi trông thấy. “Trước mỗi ngày bán 20 ký thịt, giờ thì chịu”. Hàng bán được ít, thu nhập giảm, đời sống của gia đình cô bị ảnh hưởng rất nhiều.
Chị Lê Thị Thủy, bán trái cây tại chợ Ngã Tư Ga (Q.12) cho biết, lượng hàng bán ra từ sau Tết đến giờ giảm mạnh và chưa có dấu hiệu dừng. “Trước một ngày tôi bán 100kg trái cây các loại, giờ giảm dần, mấy ngày nay chỉ lấy 60kg mà nhiều hôm vẫn ế. Ngay cả mùng một, ngày rằm vẫn khó bán”.
Theo chị Thủy, nguyên nhân là vật giá leo thang, người dân bớt ăn trái cây để bù đắp cho các khoản chi tiêu cần thiết khác. “Không có chuyện khách hàng thoải mái mua ồ ạt nữa đâu, người ta mua lắt nhắt vài ba trái mà vẫn phải cân nhắc kỹ. Cũng như mình thôi, thu nhập giảm, giá cả tăng… mỗi lần bỏ ra đồng tiền buộc phải tính toán nhiều hơn”, chị Thủy giãi bày.
Khi giá cả ngoài chợ tăng cao, rất đông người dân đổ vào siêu thị mua sắm bởi giá cả ở đầy mềm hơn. Những tưởng như vậy sẽ tạo đột biến doanh thu cho các nhà bán lẻ nhưng thực tế khách hàng đông… nhưng lượng hàng bán ra không đáng kể.
Đại diện một siêu thị tại TP.HCM cho hay, những ngày cuối tuần tuy lượng khách đến mua sắm rất đông nhưng doanh thu… không tăng vọt so với trước.
“Người tiêu dùng chủ yếu mua thực phẩm và loại ra khỏi giỏ hàng một cách tối đa những thứ không cần thiết. Người mua đông, hóa đơn thanh toán nhiều nhưng lượng hàng trên mỗi hóa đơn giảm hẳn”, đại điện này cho hay.
Với giới kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn còn có thể “bám trụ” bởi đây gắn liền với nhu cầu hàng ngày của người dân. Nhưng với nhiều mặt hàng, dịch vụ khác thì ngày càng càng khó khăn hơn khi người dân cắt giảm chi tối đa.
Tại các quán cà phê, nhà hàng ở các tuyến đường trung tâm của thành phố như Phạm Ngọc Thạch, Alexander de Rhodes, Công xã Paris, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… đến các khu tập trung hàng quán ăn uống như khu Bắc Hải, quanh đường kênh Nhiêu Lộc, Gò Vấp… vào những giờ cao điểm trước đây phục vụ không xuể các thực khách đến thưởng thức thì giờ… vắng đến mức ế ẩm.
Các cửa hàng thời trang ở các phố… cũng rơi vào tình trạng ế ẩm trông thấy. Nhiều hàng quán từ làm ăn được giờ phải loay hoay tìm cách ứng phó khi mọi chi phí từ mặt bằng, điện nước, đến lương nhân viên đều phải tăng, trong khi khách đến thưa thớt. Hoạt động trả mặt bằng, thanh lý cửa hàng, chuyển nhượng,… cũng rầm rộ hơn trước.
Anh Nguyễn Văn Thảo, kinh doanh quần áo thời trang có đến 6 cửa hàng “đóng đô” ở các đường Phạm Văn Hai, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trãi… cho biết, từ sau Tết doanh thu đã giảm đi rất nhiều.
Trong khi đó anh phải “cõng” thêm nhiều khoản tăng giá. Mới đây, do một số điểm kinh doanh thua lỗ, anh buộc phải bớt đi hai cửa hàng.
“Khách hàng vào xem thì nhiều nhưng mua lại rất ít. Trước đây thích là người ta mua, còn bây giờ có thích họ cũng phải xem túi tiền của mình. Tiền mặt bằng cả chục triệu tháng, rồi chi phí điện nước, nhân viên, ăn uống đều tăng mà… hàng thì ế, may lắm thì bán lẻ tẻ từng cái, bù lỗ sao nổi”, anh Thảo than thở và cho biết, cứ đà này sẽ còn tiếp tục phải trả mặt bằng.
Nguồn DÂN TRÍ
Bình luận (0)