Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM đạt chuẩn phổ cập bậc trung học: Cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, TP và Sở GD-ĐT chứng kiến các quận, huyện ký cam kết phổ cập giáo dục

Sáng 7-5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức “Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 61-CT/TW và sơ kết công tác phổ cập bậc trung học”. Tại đây, UBND TP đã công bố quyết định công nhận thành phố đạt chuẩn phổ cập bậc trung học… 
Gian nan “con đường” phổ cập
Năm 1995, TP.HCM đạt chuẩn phổ cập tiểu học, 7 năm sau thì đạt chuẩn phổ cập THCS. Theo đó, tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII đã đề ra yêu cầu phổ cập bậc trung học trên toàn thành phố vào năm 2008.
Là một thành phố có số lượng dân nhập cư tăng theo từng ngày thì việc đạt được mục tiêu phổ cập bậc trung học là vô cùng khó khăn.
Cô Trần Thị Vân – cán bộ chuyên trách phổ cập P.16, Q.Gò Vấp nhớ lại: “P.16 là một phường bán nông nghiệp, có nhiều dân nhập cư thuộc diện khó khăn. Theo đó, con em trong những hộ gia đình này thường xuyên bỏ học. Hàng năm chúng tôi tập trung điều tra và lọc ra những em nghỉ, bỏ học. Sau đó đến từng nhà để vận động các em trở lại lớp. Lần nào thấy chúng tôi, các em cũng nói: “Cô Vân tới, đóng cửa lại đi”. Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc, canh đúng giờ ăn tối là chúng tôi tới. Một tuần 7 tối, chỉ có 2 bữa tôi ăn cơm cùng gia đình. Những tưởng vào được nhà là mời được các em tới trường, nào ngờ… Nhiều phụ huynh đã từ chối thẳng thừng, vì con họ là lao động chính trong gia đình”.
Địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong phổ cập bậc trung học phải kể đến huyện Cần Giờ. Ông Đoàn Văn Thanh – Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện Cần Giờ cho biết: “Thời điểm năm 2003, toàn huyện có 3.086 học sinh từ 15-21 tuổi bỏ học. Hệ thống giao thông, phương tiện đi lại của đối tượng phổ cập bậc trung học còn khó khăn. Nhiều học sinh nhà cách trường tới 7-10 cây số. Cả huyện chỉ có 2 trường THPT ở xã Bình Khánh, Cần Thạnh và 1 trung tâm dạy nghề ở xã Bình Khánh nên số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 không cao…”.
TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng khẳng định: “Bên cạnh những thuận lợi, công tác phổ cập bậc trung học ở thành phố còn rất nhiều khó khăn. Đối với xã hội, sự thất học ở bậc trung học không tạo ra sự bức xúc như ở tiểu học. Từ đó việc động viên đối tượng phổ cập bậc trung học đến trường khó khăn hơn nhiều. Đối với học sinh – đối tượng phổ cập, một khi đã bỏ học, thường các em thuộc diện mất căn bản, chán học nên vận động trở lại trường rất khó, không chỉ vì trình độ học vấn mà còn là vấn đề tâm lý…”.
Cần cố gắng duy trì và phát huy kết quả

Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận trao bằng khen của Bộ GD-ĐT cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phổ cập giáo dục.

Vượt qua những khó khăn, sau 6 năm bằng sự đồng thuận của các cấp chính quyền và người dân, TP.HCM đã chính thức đạt chuẩn phổ cập trung học. Theo đó, có trên 95% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, bổ túc THPT, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm từ 85% trở lên (trong đó Q.10 và Phú Nhuận đều trên 92%), đối với các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn từ 72 đến 74%…
“Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ, khắc phục khó khăn của cả hệ thống chính trị xã hội, trong từng gia đình và với từng đối tượng phổ cập. Kết quả này còn thể hiện một giá trị to lớn là sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể thành phố và quận, huyện, phường/ xã… trong việc chăm lo giáo dục thế hệ trẻ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND TP”, TS. Minh nhấn mạnh.
Như vậy TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn phổ cập bậc trung học. Trong khi đó đến năm 2010, cả nước mới đạt chuẩn phổ cập THCS.
Trước những kết quả mà TP.HCM đạt được, ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Với những hướng đi mới đầy sáng tạo, TP.HCM luôn đi đầu trong giáo dục. Thậm chí, phổ cập bậc trung học chưa phải là nhiệm vụ của các địa phương mà thành phố đã đạt được với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Việc phổ cập bậc trung học ở TP.HCM nhằm nâng cao dân trí và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung. TP.HCM cần tập trung mọi nguồn lực để giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được”. Và ông Hiển cũng cho rằng, Sở GD-ĐT TP.HCM nên tranh thủ sự quan tâm của thành phố để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, xây dựng trường lớp theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia…
Ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo: “Để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, các quận, huyện, nhất là những quận, huyện cửa ngõ, đông dân nhập cư cần tích cực với công tác phổ cập, nếu không đến một lúc nào đó e rằng chúng ta phải làm lại phổ cập. Ngành GD-ĐT cần làm tốt hơn công tác hướng nghiệp, dạy nghề để nâng cao tỷ lệ thanh thiếu niên từ 18-21 tuổi có bằng nghề; phối hợp với các ban ngành, quận, huyện tăng tốc xây dựng trường lớp…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)