Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN và ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM ký biên bản công nhận TP.HCM đạt chuẩn PCGDMN
|
Đó là kết luận của Bộ GD-ĐT khi đi kiểm tra công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn TP.HCM vừa qua. Bộ GD-ĐT đã đánh giá cao những kết quả mà TP.HCM đạt được trong việc thực hiện Đề án PCGDMN…
Trước đó, tháng 2-2011, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn giai đoạn 2010-2015 với tổng kinh phí là 2.700 tỷ 128 triệu đồng. Gồm 3 dự án: Xây dựng phòng học, phòng chức năng theo điều lệ trường MN; Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong lớp và ngoài trời; Đào tạo trình độ CĐ sư phạm MN cho 4.732 giáo viên nhằm đảm bảo đủ 2 giáo viên/lớp.
100% phường, xã đạt chuẩn phổ cập
Để thực hiện đề án, nhiều quận, huyện đã chủ động, linh hoạt trong việc tìm kiếm giải pháp để thêm chỗ học cho trẻ 5 tuổi. Cụ thể như H.Nhà Bè, Nhà Văn hóa xã Phú Xuân cho Trường MN Mạ Non mượn 5 phòng học. Hay như ở Q.Tân Phú, các nhà văn hóa P.Phú Thạnh, Tây Phú, Tân Thành cho các trường MN mượn 19 phòng học để thực hiện công tác phổ cập…
Kết quả, đến hết năm học 2012-2013, toàn TP có 827 trường MN (hiện nay là 907 trường – PV), tổng số nhóm lớp là 10.608 (tăng 2.411 nhóm, lớp; trong đó lớp mẫu giáo tăng thêm 1.950 lớp). Số trẻ huy động ra lớp là 326.121/463.824 trẻ điều tra (đạt tỷ lệ 70,31%). Trong đó, trẻ nhà trẻ là 53.708/172.722 trẻ ra lớp (đạt 31,1%); trẻ mẫu giáo là 271.423/291.102 trẻ (đạt tỷ lệ 93,58%). Đối với giáo viên, đến tháng 3-2014 TP có 18.544 giáo viên, tăng 4.561 giáo viên so với năm 2011. Riêng giáo viên lớp 5 tăng 1.564 giáo viên so với năm 2011. Tất cả các giáo viên đều được hưởng những chế độ, chính sách theo quy định và một số chính sách đặc thù của TP.HCM như trả lương 200 giờ làm thêm/năm, trợ cấp cho giáo viên dạy ở vùng sâu vùng xa…
Sau khi kiểm tra hồ sơ cũng như đi thực tế tại 24 phường/xã/thị trấn thuộc 12 quận, huyện, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT kết luận: Với tiêu chuẩn cơ sở vật chất, có 2.735 phòng học cho trẻ 5 tuổi (trong đó phòng học kiên cố chiếm 96,92%, còn lại là bán kiên cố), 100% lớp được trang bị đầy đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu, 90,45% lớp có bộ đồ chơi, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với tin học. Đánh giá 319/319 phường, xã, thị trấn, 24/24 quận, huyện đạt tiêu chuẩn này.
Tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên, 5.082 giáo viên – tương đương 2,04 giáo viên/lớp, 100% đạt chuẩn và 76,4% trên chuẩn. Đánh giá 319/319 phường, xã, thị trấn, 24/24 quận, huyện đạt tiêu chuẩn này.
Tiêu chuẩn chất lượng chăm sóc, giáo dục – tỷ lệ huy động đạt 99,34%; 100% học 2 buổi/ngày và chương trình GDMN mới, 98,61% hoàn thành chương trình GDMN mới, 99,34% trẻ đi học chuyên cần, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 0,27%, thấp còi là 0,27%, 1.383 trẻ được hưởng chế độ chính sách theo quy định. Đánh giá 319/319 phường, xã, thị trấn, 24/24 quận, huyện đạt tiêu chuẩn về trẻ em.
“Đến thời điểm tháng 5-2013, toàn TP.HCM có 319/319 phường, xã, thị trấn và 24/24 quận, huyện đạt chuẩn PCGDMN theo quy định tại thông tư số 32 ngày 2-12-2010 của Bộ GD-ĐT”, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD-ĐT – khẳng định.
Mô hình điểm cần nhân rộng
Cũng theo ông Minh, điểm nổi bật nhất của TP.HCM khi thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, chính là công tác xây dựng trường lớp. Đặc biệt, “công tác xã hội hóa trong xây dựng trường đứng đầu cả nước. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì khó hoàn thành phổ cập. TP.HCM có nhiều giải pháp tốt, cách làm hay cần được nhân rộng”…
Đúng vậy. Sau khi UBND TP phê duyệt Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, hàng loạt trường MN đã được khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động. Đó là các trường MN ở 6 xã thuộc 5 huyện ngoại thành được xây dựng bằng nguồn kinh phí của chương trình xây dựng Nông thôn mới, trường MN công lập ở những phường chưa có trường MN công lập. Nhiều trường được xây bằng vốn kích cầu như MN Rạng Đông Quận, MN Rạng Đông 10 – Q.6. Đồng thời TP cũng tạo điều kiện nhằm khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường MN bằng cách miễn thuế 5 năm đầu, cho vay vốn xây trường với lãi suất 0% như Trường MN Anh Duy (Bình Chánh), Trường MN Ánh Hồng (Q.Bình Tân)…
Không những vậy, khi đi kiểm tra thực tế công tác phổ cập tại một số trường MN, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT không khỏi ấn tượng bởi cơ sở vật chất khang trang, chất lượng nuôi dạy rất tốt. Các trường này được đánh giá là chuẩn mực để các địa phương trong cả nước học tập…
Bên cạnh những mặt đã đạt được, GDMN ở TP.HCM còn gặp không ít khó khăn và cần sớm khắc phục. Cụ thể như sĩ số học sinh/lớp ở nhiều trường còn khá cao, một số trường còn hạn chế về không gian, diện tích sân chơi…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Để hoàn thành Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi nói riêng và thực hiện công tác xóa mù, phổ cập là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Trước tiên là tuyên truyền phụ huynh đưa trẻ ra lớp, xã hội hóa xây dựng trường lớp… Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường MN theo quy hoạch; đào tạo giáo viên theo phương châm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực”. |
Tin liên quan
1.218 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, là những thành viên của Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam...
Sáng 5-11 tại Trung tâm Báo chí TP.HCM đã diễn ra họp báo ra mắt nền tảng đặt phòng khách sạn dành...
Chiều 5-11, Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề “Công tác phát...
Sau 3 phiên làm việc khẩn trương và hiệu quả vào ngày 4 và sáng 5-11, Đại hội Đại biểu Hội LHTN...
Bình luận (0)