TP.HCM đang hướng tới một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực giao thông đô thị: thay thế hoàn toàn xe xăng bằng xe điện trong hoạt động của xe ôm công nghệ và giao hàng từ nay đến năm 2029. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Chuyển đổi Xanh mà Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) đang triển khai cho giai đoạn 2025–2030.
Sáng 18-6, phát biểu tại hội thảo “Hệ sinh thái chuyển đổi xe điện hai bánh trên địa bàn TP.HCM”, ông Trần Thanh Bình – Phó Viện trưởng HIDS cho biết, đề án tập trung vào hai trụ cột chính là giao thông và năng lượng. Một số nhiệm vụ cụ thể bao gồm chuyển đổi đội xe buýt điện, phát triển hạ tầng trạm sạc, triển khai xe điện đưa đón học sinh, phủ xanh giao thông tại các vùng phát thải thấp và chuyển đổi xe công nghệ sang xe điện.
Theo HIDS, TP.HCM hiện có hơn 8 triệu xe máy sử dụng nhiên liệu xăng. Việc thay thế toàn bộ lượng xe này bằng xe điện cần một lộ trình hợp lý, không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Nhóm tài xế công nghệ và giao hàng với khoảng 400.000 người được xác định là đối tượng ưu tiên trong giai đoạn đầu, bởi tần suất di chuyển cao (80-200km/ngày) và lượng khí thải vượt trội so với người dùng thông thường.

Ông Bình nhận định, khi nhóm tài xế này chuyển đổi sang xe điện thành công sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho chính tài xế nhờ chi phí vận hành thấp hơn, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, HIDS đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét thực hiện các chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, phí đăng ký biển số cho tài xế chuyển từ xe xăng sang xe điện. Ngoài ra, HIDS cũng phối hợp với các hãng sản xuất xe đề xuất các chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm khuyến khích chuyển đổi.
Trong khi đó, về phía nhà sản xuất xe điện, HIDS đề xuất cần có chính sách miễn giảm tiền thuê đất để mở rộng sản xuất. Về phát triển hạ tầng trạm sạc, việc tìm quỹ đất mở trạm, xây dựng mạng lưới sạc là một trong những ưu tiên quan trọng. Ông Trần Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Kinh tế (HIDS) cho rằng có thể tận dụng vỉa hè rộng hoặc quỹ đất công chưa khai thác để phát triển trạm sạc phục vụ tài xế xe hai bánh.
Về lộ trình, HIDS đề xuất đến năm 2026 chuyển đổi 30% số xe xăng sang xe điện, nâng lên 50% vào năm 2027, đạt tổng cộng 80% trong hai năm. Đến năm 2028, mục tiêu là 100% tài xế xe công nghệ và giao hàng dùng xe điện, góp phần cắt giảm 315.000 tấn CO2 và 2.000 tấn bụi mịn mỗi năm.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh – đại diện Vingroup, đơn vị quản lý nền tảng Xanh SM – cũng kiến nghị TP.HCM điều chỉnh quy hoạch đô thị, bắt buộc các khu dân cư mới phải có khu vực dành cho trạm sạc. Đồng thời, cần thành lập quỹ chuyển đổi xanh hỗ trợ tài chính cho tài xế và đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.
Kết quả khảo sát của HIDS với hơn 400 tài xế Grab, Be, Gojek cho thấy chi phí xăng hiện nay của tài xế dao động 70.000-100.000 đồng/ngày, trong khi chi phí điện cho xe điện chỉ khoảng 20.000 đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí sạc, hao mòn pin và thời gian chờ, tài xế vẫn tiết kiệm được 40.000-60.000 đồng/ngày, tương đương hơn 1 triệu đồng/tháng.
“Nếu dùng số tiền tiết kiệm này để trả góp, tài xế có thể hoàn tất khoản vay mua xe điện chỉ sau 2-2,5 năm. Với sự hỗ trợ phù hợp, việc chuyển đổi 80% xe xăng trong nhóm tài xế công nghệ trong 2 năm đầu là khả thi”, ông Hải khẳng định.
Thủy Phạm
Bình luận (0)